Trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến xuất khẩu, nhưng trên thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vấn đề “được mùa mất giá”, chất lượng nông sản còn bất cập, tiêu thụ phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc… đang đe doạ sự phát triển bền vững của ngành.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến các ngành sản xuất, nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia gần đây… đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành. Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nhưng, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Ngoài đất đai, vốn tín dụng… vẫn còn nhiều vấn đề đang là rào cản, khiến doanh nghiệp còn “e ngại” khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Bài 1: Tháo gỡ bất cập từ khâu sản xuấtNông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống, gắn với sinh kế của hơn 70% người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tập quán sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” qua nhiều năm đang khiến cho nông sản Việt phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc đua hội nhập kinh tế quốc tế cũng như khẳng định lòng tin với người tiêu dùng trong nước.
Từ câu chuyện của doanh nghiệpCách đây hơn 10 năm, ông Ưng Thế Lãm (hiện là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Nông Gia Trang) từng là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam đưa quả thanh long Việt sang những thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ. Ngoài thanh long, ông Lãm cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, rau củ quả sang các thị trường khó tính.
Dù đã lựa chọn vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, tuy nhiên quy mô sản xuất nhỏ nên không đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp cũng không kiểm soát hết chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, sau một thời gian hoạt động, Công ty thường xuyên gặp vấn đề do sản phẩm nông sản bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Trước tình hình này, ông Lãm cùng các đồng sự đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển từ xuất khẩu sang tập trung vào việc phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, Công ty Nông Gia Trang đi theo hướng tư vấn, hướng dẫn nông dân cách trồng và thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất hữu cơ.
Theo ông Ưng Thế Lãm, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì ngành nông nghiệp Việt Nam cần chuẩn hóa các sản phẩm trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế và thực hành sản xuất một cách nghiêm túc theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Hơn nữa, cần phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc để giám sát quy trình sản xuất của nông dân vì đa phần các Công ty xuất khẩu ở thành phố lớn, còn nông sản được sản xuất ở các vùng nông thôn.
Công nhân của Tập đoàn Vina T&T phân loại để chọn trái thanh long ngon cho xuất khẩu tại nhà máy Kim Thanh 2, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đức Nhung/TTXVN |
Không chỉ riêng câu chuyện của doanh nhân này mà nhiều doanh nghiệp trước khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, điều đầu tiên họ quan tâm đến là phải có vùng nguyên liệu. Chỉ khi có vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu chất lượng của các đối tác nhập khẩu thì họ mới đẩy mạnh xuất khẩu cũng như đảm bảo được yếu tố phát triển bền vững về mặt thị trường.
Đại diện Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng, dù hiện nay Nhà nước đã có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và có sự thay đổi về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể các vùng nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu. Thêm vào đó, đối với các sản phẩm cần chế biến sau thu hoạch thì các địa phương cũng chưa bố trí được địa điểm. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư, mở rộng sản xuất.
Theo các doanh nghiệp, để sản xuất đồng bộ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cần phải đào tạo, hướng dẫn cụ thể cho nông dân bởi hiện nay nông dân chủ yếu vẫn tự “bơi”, tự “làm” theo tập quán nên sản phẩm nông sản đôi khi chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường đã mở cửa rất nhiều thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Do vậy, nếu làm tốt khâu nuôi trồng, quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì nông nghiệp Việt Nam không chỉ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tới đầu tư mà sản phẩm nông sản còn vươn xa và vươn cao hơn trong thời gian tới.
... Đến việc định hướng sản xuất nông nghiệpBà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch Việt Nam cho rằng, có một vấn đề trong sản xuất nông nghiệp hiện nay cần phải được định hướng rõ ràng, nếu không sẽ rất khó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là nền nông nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển theo hướng nào, công nghệ gì, chất lượng ra sao?
Theo bà Minh, nền nông nghiệp Việt Nam nên được xác định đi theo 2 hướng: Sản xuất an toàn có sử dụng hóa chất, nhưng đúng quy trình, đảm bảo thời gian cách ly và sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Đây là định hướng cần thiết để giảm thiểu tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị hư hại do tác động của thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học… trong nhiều năm qua.
“Sản xuất hữu cơ phù hợp với quy mô nông hộ, các trang trại nhỏ… Do vậy, chúng ta có thể tập hợp họ lại thành các tổ chức Hội, hợp tác xã để giúp họ phát triển. Còn sản xuất an toàn có thể thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp bởi họ có đủ tiềm lực đầu tư vào hệ thống nhà kính, phun tưới nhỏ giọt… cũng như sản xuất với quy mô lớn. Việc định hướng sản xuất rõ ràng như vậy sẽ giúp nông dân tiếp cận với công nghệ sản xuất phù hợp, tạo ra nguồn cung nông sản đảm bảo chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”, bà Minh chia sẻ.
Cũng theo bà Minh, việc sản xuất theo tiêu chuẩn không phải là đơn giản, ngay như VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đầu tư vào nông nghiệp đã nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có lãi. Bên cạnh đó, dù việc sử dụng thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, song những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất khó khăn. Sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải đầu tư chi phí lớn, trong khi thị trường tiêu thụ rất hẹp, niềm tin của thị trường chưa có.
Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, chủ các trang trại tổ chức lại sản xuất, cải tạo đất đai và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào sản xuất hữu cơ. Còn chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện chủ yếu các đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp thường có quy mô nông hộ hoặc trang trại, rất ít doanh nghiệp.
Giáo sư Phan Văn Trường, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, việc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề. Trước hết, Việt Nam chưa có thị trường nông sản có thể điều phối được cung cầu. Cụ thể là không có số liệu thống kê về nhu cầu, nguồn cung, không có biểu giá cho các sản phẩm nông sản; nông dân sản xuất theo nhu cầu tự phát mà không theo bất cứ quy luật nào của thị trường.
Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ luật pháp trong sản xuất nông nghiệp còn kém nên không thể phát triển bền vững. Chính vì không có ngành nông nghiệp phát triển bền vững nên hầu hết gia đình không muốn cho con làm nông dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế ở nông thôn mà còn tạo nên sức ép cho các đô thị khi lao động từ các vùng nông thôn dồn về kiếm việc làm.
Do vậy, muốn thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng, phải tạo ra một thị trường cụ thể, minh bạch để người lao động lựa chọn có trở thành nông dân, có tham gia sản xuất nông nghiệp hay không. Thêm vào đó, phải phát triển hệ thống phân phối nội địa đủ sức điều hòa các sản phẩm, nếu để các doanh nghiệp nước ngoài chi phố hệ thống này thì sẽ rất nguy hiểm. Hơn hết, cần phải xây dựng nền sản xuất dựa trên ý thức tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, Việt Nam phải có chế tài đủ mạnh đối với các việc sử dụng hóa chất bừa bãi, gian lận trộn tạp chất vào nông sản... thì mới có thể xây dựng được thương hiệu và uy tín cho nông sản Việt. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt để đưa ngành nông nghiệp thực sự phát triển bền vững trong thời gian tới.