Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Việt Nam - Trung Quốc là những đối tác kinh tế quan trọng của nhau và có nhiều tiềm năng gia tăng kim ngạch thương mại song phương cũng như hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo và giao lưu thương mại Việt Nam - Trung Quốc do Chi nhánh Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính Hiệp - CPPCC) tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/6.

Dây chuyền sản xuất sợi cotton, xuất khẩu sang Trung Quốc tại Công ty Cổ phần Đồng Phát (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết, trong những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển khá tốt, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2016 đạt 71,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 22 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc gần 50 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng như dầu thô, than đá, máy tính, linh kiện, cao su, gạo, rau quả, thủy sản…và nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu ngành may mặc, da giày, sắt thép, phân bón…

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thế Hưng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế chiến lược của Việt Nam và là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc. Mặt khác, với lợi thế về dân số và sự năng động, TP Hồ Chí Minh cũng là một thị trường tiêu dùng có nhiều tiềm năng phát triển.

Ngoài ra, VCCI-HCM  và chính quyền thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế. Đây là nền tảng để hai địa phương đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư trong những năm tới.

Đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, ông Wong Chen Wei, đại diện Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Các mức thuế của Việt Nam hiện nay đều đang thấp hơn từ 5 - 30% so với hệ thống thuế tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành được ưu tiên phát triển như: công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô, điện tử, da giày và dệt may, nhà đầu tư nước ngoài còn được tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, quỹ đất xây dựng nhà máy…là những lợi thế giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.

Bà Trác Lỗ Ninh, Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Đông cho biết, Việt Nam là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Trung Quốc nói chung và tỉnh Sơn Đông nói riêng. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Sơn Đông năm 2016 đã đạt 28,5 tỷ USD.

Theo bà Trác Lỗ Ninh, Sơn Đông là một trong những tỉnh phát triển nhất tại Trung Quốc, có lợi thế về sản xuất máy móc, gang thép, thiết bị và sản xuất nông sản và có nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm linh kiện điện tử, trái cây tươi, trái cây sấy khô, cao su, dầu khí… từ Việt Nam. Với những ưu thế mang tính bổ sung cho nhau, tỉnh Sơn Đông và Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, gia tăng giá trị trao đổi thương mại trong thời gian tới.


Xuân Anh (TTXVN)
Họp Uỷ ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt - Trung
Họp Uỷ ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt - Trung

Ngày 20/10, kỳ họp lần thứ 9 Uỷ ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN