Thừa Thiên - Huế đã khắc phục xong các tuyến đê bao bị vỡ

Theo lịch thời vụ thì đến ngày 5/2, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ kết thúc việc gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2017, nhưng do ảnh hưởng của đợt mưa rét kết hợp với triều cường, khung lịch thời vụ phải kéo dài, đến ngày 14/2, tỉnh vẫn còn hơn 2.000 ha lúa chưa được gieo sạ lại.

Nguyên nhân do đợt rét đậm, rét hại kết hợp với triều cường dâng cao từ cuối tháng 1/2017 đến nay làm chậm tiến độ gieo cấy lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, do mưa kéo dài kết hợp với triều cường trong thời gian qua làm nước tràn qua nhiều tuyến đê bao nội đồng ở huyện Phong Điền, gây hư hỏng, sạt lở nặng trên 30 km đê bao và kênh mương nội đồng ở vùng thấp trũng ven phá Tam Giang như: xã Phong Chương, Phong Bình, Điền Hải…; làm hơn 1.300 ha lúa Đông Xuân vừa gieo sạ bị ngập úng hư hỏng.

Nông dân chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Những ngày qua, huyện Phong Điền đã huy động hơn 300 lượt người/ngày bao gồm bộ đội và người dân đắp đê cứu lúa và gieo cấy điện tích còn lại. Về lâu dài, các địa phương trong vùng đề nghị với tỉnh, Trung ương có hỗ trợ để nâng cốt những tuyến đê xung yếu, tập trung nặng nhất ở vùng Phong Chương, Phong Bình và Điền Hải để khỏi ngập do triều cường. Ngành nông nghiệp chủ động về số lượng các loại giống lúa, nhất là các loại giống lúa ngắn ngày nhằm đảm bảo gieo cấy hết diện tích vụ sản xuất Đông Xuân, đồng thời không để ảnh hưởng đến vụ Hè Thu sắp tới. Nhóm các giống lúa ngắn ngày được bố trí để bù đắp diện tích bị hư hại gồm lúa lai XT27, BT7; khang dân, IRi 352 HT1, HN6, DV108.

Các địa phương bố trí khung lịch thời vụ để đảm bảo lúa vụ Đông Xuân trổ tập trung từ 10/4 đến 25/4; tuỳ thời gian sinh trưởng của từng loại giống và điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời gian gieo cấy phù hợp. Tỉnh cũng khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất thử giống lúa LDA1(RG3.3) ở những vùng đất có khả năng thâm canh cao, giống lúa ML48 trên các vùng đất cát ven phá, nghèo dinh dưỡng để hạn chế đổ ngã và sinh vật gây hại; mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng BT7, HC4...

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đang chủ động hướng dẫn nông dân tiêu nước đối với diện tích đang còn ngập, để gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ; áp dụng các giải pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn lúa từ 0 - 40 ngày sau sạ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chi phí; chú trọng biện pháp diệt ốc bươu vàng nơi có mật độ cao để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các địa phương có phương án để chủ động đối phó, khắc phục những tác động xấu, bất thường của thời tiết khí hậu, nhất là tiêu úng kịp thời, dự phòng các phương án chăm bón, phòng trừ sâu bệnh.

Đối với cây trồng khác, tỉnh Thừa Thiên - Huế vận động nông dân vệ sinh vườn, chăm sóc, bón phân để cây trồng sinh trưởng phát triển, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời để đảm bảo thực hiện thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân.

Quốc Việt (TTXVN)
Tiền Giang khẩn trương xử lý các tuyến đê bao sạt lở
Tiền Giang khẩn trương xử lý các tuyến đê bao sạt lở

Tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương xử lý các tuyến đê bao bị sạt lở trước khi lũ về nhằm bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân vùng ngập lũ phía Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN