Thủ tục phiền hà đẩy lùi du lịch tàu biển

Quy định đăng ký xin thị thực (visa) nhập cảnh thay cho thẻ đăng ký lên bờ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, bị các doanh nghiệp du lịch phản ánh là thủ tục hành chính phiền hà cho du khách và doanh nghiệp. Đồng thời phí làm visa cũng tăng lên tới 9 lần, từ 5 USD lên 45 USD.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Tictour, một trong những đơn vị chuyên đón khách tàu biển, cho biết: Trước thời điểm 1/1/2015, việc đón khách tàu biển thực hiện theo quy trình: Duyệt nhân sự (khách) trước khi tàu vào, sau đó khi tàu cập cảng, lực lượng biên phòng sẽ đối chiếu hộ chiếu của khách với danh sách được duyệt và cấp thẻ lên bờ. Việc này diễn ra khá nhanh chóng và phù hợp với đặc thù của du lịch tàu biển chỉ đi thăm quan trong ngày, do sản phẩm du lịch của chúng ta còn chưa phong phú.

Đơn vị lữ hành Việt Nam đón khách tàu biển.



Tuy nhiên, với quy định mới này, du khách sẽ phải tốn rất nhiều thời gian cho việc kê khai nhân sự, chụp ảnh, dán mẫu vi sa vào hộ chiếu, khai thông tin trên giấy visa, điền ngày đến và đi. “Trước kia, thủ tục cho khách tàu biển chỉ mất 1 tiếng, nhưng nay với tàu đông lên tới nghìn khách thì sẽ mất cả 10 tiếng, người làm cũng mệt và khách cũng khó chịu”, đại diện doanh nghiệp đón khách tàu biển cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, Việt Nam đón trên 45.000 khách quốc tế bằng tàu biển, tăng 20% so với năm 2013.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Thắng, việc quay trở lại làm thủ tục visa nhập cảnh như vậy là bước lùi về hành chính, bởi đây là cách làm đã được áp dụng từ cách đây 10 năm, khi đó khách tàu biển vào Việt Nam cũng phải làm visa đầy đủ. Sau này, với kiến nghị của ngành du lịch, thủ tục nhập đã được đơn giản hóa theo phương thức quá cảnh với thẻ lên bờ. “Nhờ giảm thủ tục hành chính, kết hợp với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá khách quốc tế đến Việt Nam qua con đường tàu biển đã tăng nhanh trong thời gian qua, giờ chúng ta lại quay lại cách làm cũ, thật sự là điều khó hiểu”, ông Nguyễn Quang Thắng cho biết.
Về phía mình, ông Vũ Duy Vũ, Phó Giám đốc Saigontourist cho biết: Ngày 8/1, đơn vị thực hiện đón một đoàn khách tàu biển tại Hạ Long, việc áp dụng quy trình mới về làm visa khiến khách và doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn trước đây. “Đối với công dân 7 nước được Việt Nam đơn phương miễn visa (Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan) việc nhập cảnh khá thoải mái. Tuy nhiên với các khách thị trường khác, việc làm thủ tục nhập cảnh lâu hơn và trong ngày 8/1, đơn vị đã phát phiếu thăm dò ý kiến của hãng tàu và du khách để từ đó có kiến nghị với cơ quan chức năng”, ông Vũ cho biết.

Theo ông Vũ, các nước trong khu vực đều miễn phí đối với khách du lịch tàu biển để thu hút đối tượng khách có nguồn chi trả cao này, trong khi chúng ta lại tăng và mức tăng lên tới 9 lần như vậy là điều hoàn toàn bất hợp lý, làm mất tính cạnh tranh của du lịch tàu biển Việt Nam.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp chuyên đón khách tàu biển, đối với khách tàu biển là đối tượng chi trả cao, thêm 45 USD để làm phí visa sẽ không thành vấn đề khi đã chi phí hàng nghìn USD, tuy nhiên việc thủ tục hành chính rườm rà đang làm giảm sức hút cạnh tranh so với các điểm đến khác trong khu vực. Nhất là khi hiện nay việc thu hút khách quốc tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố tác động về dịch bệnh, xung đột. Do đó, để tạo điều kiện thu hút khách quốc tế tàu biển, trong điều kiện hạ tầng hiện nay, các ngành hữu quan nên ngồi lại với nhau để giải quyết giảm thủ tục phiền hà cho du khách”.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp lữ hành, đặc điểm đón khách tàu biển là thường đến tập trung đông, theo từng thời điểm nhất định và chỉ thăm quan trong buổi trong ngày, tối lại lên tàu khởi hành đi thăm quan các điểm khác; vì vậy thủ tục xin thị thực quá phiền hà là điều không cần thiết, nếu không muốn nói là bất hợp lý. “Thực tế hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển chuyên dụng, việc làm thủ tục nhiều khi “tạm bợ”, đang là sự cản trở làm thủ tục đón khách. Ngay cả đối với khách đến hàng không, dù hạ tầng khá đầy đủ nhưng việc làm thủ tục nhiều khi còn gặp khó khăn. Do đó, quy trình đón khách và làm thủ tục cho khách cần có sự phù hợp với đặc điểm của loại hình khách này”, một đại diện ngành du lịch cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Những ngày gần đây, khi áp dụng quy định mới, chúng tôi đã nhận được thông tin về sự phiền toái của thủ tục làm visa mới đối với khách tàu biển. Chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp tàu biển và tổng hợp gửi đến cơ quan chức năng”.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN