Thủ Thiêm hướng tới một trung tâm tài chính

Mười năm để chuẩn bị cho một dự án, đây là thời điểm tốt nhất cho Thủ Thiêm chuyển mình khi hạ tầng giao thông đã được kết nối. Vùng đất này sẽ không còn mang cái tiếng là “làng quê, bưng trũng” nữa. Không còn xa, Thủ Thiêm sẽ phát triển thành trung tâm thương mại tài chính hiện đại bậc nhất TP.HCM.

Nỗ lực tái định cư

Thủ Thiêm - dự án được chờ đợi nhất của TP.HCM bởi quy mô và vị trí đắc địa. Số lượng người dân chịu ảnh hưởng của dự án lên đến hơn chục ngàn hộ, hàng trăm đơn vị, xí nghiệp, nhà xưởng phải di dời. Chính vì vậy, đây cũng là nơi gặp khó khăn nhất trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Và sau 10 năm giải quyết, đàm phán với nỗ lực kiên trì cùng với sự đồng thuận của người dân, Thủ Thiêm đã cơ bản hoàn tất công việc vô cùng khó khăn này với tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt 97%. Trong quá trình giải quyết, lãnh đạo TP đã có những chính sách mới như nâng mức hỗ trợ lên 4 lần, nhằm tạo điều kiện cho người dân được những lợi ích tốt hơn khi phải di dời.

Đại lộ Đông Tây (TP.HCM) đã tạo nên sức bật mới cho khu đô thị Thủ Thiêm. ảnh: TTXVN


Di dời đã khó, tìm chỗ ở mới cho người dân cũng vất vả không kém. Và đây cũng là một trong những băn khoăn nhất của dự án Thủ Thiêm. Cách đây không lâu, khi đặt vấn đề về tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, Bí Thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã yêu cầu các cơ quan chức năng đặt mục tiêu xây dựng nhà tái định cư phải có tiêu chuẩn và chất lượng tương đương với khu Sky Garden của Phú Mỹ Hưng. Đảm bảo cho người dân có được cuộc sống tốt nhất với những giá trị cao nhất để bù đắp thiệt thòi cho người dân.

Nói thì dễ nhưng thực hiện được mới là khó, nhất là những khu đô thị lớn như Thủ Thiêm, với 12.500 hộ dân cần chỗ ở tái định cư. Không chỉ ở TP.HCM, mà các địa phương khác cũng vậy, giải phóng mặt bằng và tái định cư là vấn đề khó nhất hiện nay khi thực hiện các dự án. Muốn làm được điều này, chính quyền địa phương phải đồng cảm với người dân để tìm được tiếng nói chung và đồng thuận của người dân. Thực tế ở TP.HCM đã có rất nhiều bài học liên quan đến đền bù và tái định cư. Có những dự án làm rất suôn sẻ, nhưng cũng không ít dự án phải kéo dài hàng chục năm. Gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngay cả lãnh đạo TP.HCM cũng từng đề xuất nên có những cơ chế đặc thù trong bồi thường để người dân được công bằng hơn và dự án được tiến hành nhanh hơn.

Theo ông Trang Bảo Sơn, Phó Ban quản lý dự án Thủ Thiêm, hiện tại các khu chung cư tái định cư đang nỗ lực xây dựng để đến năm 2013 sẽ cố gắng hoàn tất dự án 12.500 căn hộ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho các hộ dân. Mặc dù tiến độ thực hiện tái định cư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm đang bị chậm hơn so với dự kiến vì kinh tế khó khăn nhưng lại áp dụng phương thức nhà đầu tư ứng vốn xây dựng trước, Nhà nước trả tiền sau. Tuy nhiên hầu hết các dự án nhà tái định cư đều được nhà đầu tư theo đuổi tới cùng, đang thực hiện hoặc hoàn thiện pháp lý. Hiện Công ty Đức Khải đang thi công đến giai đoạn tầng hầm. Liên doanh Sacomreal, Công ty công ích quận 4 và Công ty Thành Thành Công tiếp nhận dự án 1.330 căn. Còn Viettraximex triển khai 1.570 căn.

Trước mắt trong năm 2012, Ban sẽ bàn giao 620 căn hộ tại lô J, thuộc khu tái định cư An Phú (17,3 ha) do Công ty TNHH Rạch Chiếc làm chủ đầu tư, đây là những hộ dân đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở tái định cư.

Những điểm nhấn của Thủ Thiêm

Đặc thù của Khu đô thị Thủ Thiêm đó là Trung tâm Thương mại-Tài chính nằm ven sông, hài hòa với thiên nhiên. Ngoài kiến trúc, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án cũng được cân nhắc rất kỹ. Các chuyên gia, các nhà tư vấn quốc tế cũng như các nhà đầu tư đánh giá rất cao về khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bên cạnh các ý tưởng sinh thái, giữ nguyên các phân khu chức năng vốn được thiết kế từ năm 2003 đến nay, quy hoạch Thủ Thiêm năm 2011 khác với năm 2005 ở một vài điểm: Đô thị tăng 40% diện tích sàn xây dựng, nâng diện tích xây dựng của khu đô thị này từ 5,4 triệu lên thành 7,6 triệu m2 sàn; Thủ Thiêm tăng số dân sinh sống từ 120.000 lên thành 160.000, lượng lao động trong đô thị này cũng được tăng từ 350.000 lên thành 450.000, còn khách vãng lai là một triệu lượt người.

Điểm nhấn kiến trúc độc đáo nhất của Thủ Thiêm đó là Tháp đa năng cao 86 tầng. Dự án này cũng đã được chấp thuận chủ trương giao cho liên doanh Kiến Phước và Capital Land, hiện đang làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ngoài ra còn các dự án như quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, các công trình công cộng thì TP sẽ đầu tư khi quy hoạch chi tiết 1/500 hoàn thành, dự kiến vào cuối năm 2012. Theo đó, hạ tầng của toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được ngầm hóa, tổ chức không gian ngầm đô thị ở khu vực lõi trung tâm. Đặc biệt, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ sử dụng đường truyền mạng không dây với tốc độ cao, hạ tầng viễn thông tốt nhất để phục vụ các nhà đầu tư về tài chính.

Một dự án không kém phần quan trọng đó là Trung tâm tài chính quốc tế và giao dịch thương mại. Trong đó, đối với dự án Trung tâm tài chính quốc tế và giao dịch thương mại, TP đã chấp thuận chủ trương giao cho VietinBank làm nhà đầu tư, hiện đang hoàn thành ý tưởng và giải pháp để trình UBND TP. Đây được đánh giá là dự án có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với cơ cấu chức năng của khu đô thị mới Thủ Thiêm mà còn là chìa khóa mở ra khả năng và triển vọng mới cho TP trong quá trình hội nhập.

Dù vậy, yếu tố rất quan trọng đó là phải nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ Thiêm.

Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường giao thông (đại lộ Vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn, đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam) với tổng số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng đã được UBND TP giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Hiện tại, VIDIFI đã ký kết hợp đồng tư vấn với liên danh tư vấn Công ty CHODAI (Nhật Bản) và Công ty Kỹ thuật công trình YOOSHIN (Hàn Quốc)… Theo kế hoạch quý III/2012, chủ đầu tư sẽ khởi công dự án.

Tìm nhà đầu tư có năng lực và uy tín

Khu đô thị mới Thủ Thiêm có quy mô 657 ha, gồm 5 khu chức năng chính: - Khu lõi trung tâm với trung tâm du khách, trung tâm hội nghị, tháp truyền hình, khu giải trí và những không gian đan xen sinh sống làm việc giải trí. - Khu dân cư phía Bắc gồm các cao ốc chung cư cao từ 10 đến 32 tầng với khoảng khoảng 50.000 người sinh sống. - Khu đa chức năng Đại lộ Đông – Tây gồm các công trình cao từ 3 đến 16 tầng. - Khu dân cư phía Đông tiếp với quận 2 và quận 9 với các chung cư cho khoảng 15.000 người. - Khu ngập nước phía Nam gồm khu phục hồi sinh thái, khôi phục rừng tràm, trung tâm nghiên cứu châu thổ, vườn cộng đồng, và vườn bách thảo kết hợp hoạt động thương mại.

Khó khăn nhất hiện nay mà TP.HCM đang gặp phải đó là lấy nguồn vốn nào để phát triển hạ tầng cho Thủ Thiêm, trong khi nguồn vốn ngân sách thì hạn hẹp. Trong thời điểm kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản khó khăn, việc tìm các chủ dự án có đủ năng lực tham gia đầu tư vào Thủ Thiêm cũng không dễ chút nào.

Trong năm 2012, Thủ Thiêm sẽ xúc tiến mời gọi đầu tư thêm nhiều dự án theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Để thực hiện được các dự án hạ tầng, TP sẽ dành một số khu đất để đem bán đấu giá hoặc giao cho các nhà đầu tư. Hiện có 2 khu được đưa ra đấu thầu là khu nhà thấp tầng có diện tích khoảng 11,8 ha và khu trường học có diện tích 11,3 ha.
Thách thức lớn của khu đô thị mới này là tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, các dự án trong khu đô thị này lại đòi hỏi vốn lớn và nhà đầu tư phải tự bỏ vốn thi công trước.

Chính vì thế, TP đang nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư riêng cho Thủ Thiêm nhằm mời gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của đô thị này. Theo ông Sơn, lâu nay TP chưa có tiền lệ về việc này nên cần thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn thiện chính sách mời gọi đầu tư.

Sau vụ việc UBND TP.HCM chấp thuận thu hồi dự án 1,2 tỷ USD của liên Công ty TNHH TA Associates Việt Nam (gọi tắt là Công ty TA) về thực hiện dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, bỏ không dự án 3 năm trời, gây lãng phí, dường như các cơ quan chức năng càng cẩn trọng hơn đối với các liên doanh kém năng lực. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đến nay cũng đã có nhiều nhà đầu tư vào tìm hiểu cơ hội, nhưng TP chủ trương chỉ chấp thuận các nhà đầu tư lớn, uy tín để tạo lực hút các nhà đầu tư lớn khác tham gia phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Với những quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP, không phát triển Thủ Thiêm vội vàng. Lựa chọn nhà đầu tư có uy tín và thương hiệu. Với uy tín của nhà đầu tư, tất nhiên họ sẽ kéo theo những nhà đầu tư có thương hiệu khác tham gia. Hy vọng rằng, với vị trí thuận lợi và chính sách kêu gọi đầu tư tốt, cởi mở và minh bạch, Thủ Thiêm sẽ là nơi hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án. Để Thủ Thiêm trở thành một khu đô thị kiểu mẫu trong tương lai.

Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN