Thu nhập cao từ nghề nuôi ong lấy mật tại đảo Cát Bà

Nghề nuôi mật ong rừng tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng không chỉ đem lại thu nhập tốt cho người dân mà còn tạo thêm dấu ấn về đặc sản du lịch.

Theo ông Vũ Hoài Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Hải, trên địa bàn có khoảng 2.000 đàn ong nuôi, tập trung nhiều nhất ở xã Trân Châu, Xuân Đám. Nghề nuôi ong phát triển theo hướng tự nhiên. Ong bay hút phấn hoa rừng hoặc phấn hoa tại vườn thuộc các hộ gia đình.

Để hỗ trợ các hộ phát triển đàn ong, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Hải đã mời Trung tâm nghiên cứu Ong, thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn kỹ thuật. Trong giai đoạn 2017- 2020, huyện Cát Hải sẽ hỗ trợ 50% kinh phí mua giống cho các hộ nuôi có quy mô từ 100 đàn ong trở lên.

Nghề nuôi ong mang lại thu nhập hiệu quả cho người dân. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chủ tịch xã Xuân Đám Nguyễn Văn Nghiệp nhận xét, nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho các hộ nuôi. Dù một năm thu hoạch một lần nhưng mỗi đàn ong cho thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/vụ. Giá mật ong trung bình từ 450.000 đồng - 600.000 đồng/lít. Tại huyện Cát Hải, sản lượng mật của những đàn ong nuôi tại xã Xuân Đám luôn cao nhất.

Trong quá trình nuôi, các hộ gia đình được hướng dẫn cách chăm sóc, phát triển trại giống. Xã đang mong muốn phát triển từ 700 lên 1.000 đàn ong trong năm 2017. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, đến thời điểm này, nhãn và vải vẫn chưa ra hoa nên người dân còn phải trông chừng thời tiết. Thêm vào đó, diện tích đất tại một số khu vực trong xã thuộc diện thu hồi để thực hiện các dự án lớn của thành phố nên dù đàn ong đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm nông nghiệp truyền thống nhưng người dân cũng không thể xây dựng kế hoạch đầu tư lâu dài.

Theo Sở Du lịch Hải Phòng, Vườn quốc gia Cát Bà là rừng nguyên sinh quốc gia lớn nhất đất nước với hệ động, thực vật vô cùng phong phú, được coi là bảo tàng sống lưu giữ những nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Hiện ở Cát Bà có loài ong “Nội”- một trong ba loài ong quý hiếm nhất thế giới chỉ có ở khu dự trữ sinh quyển thế giới. Lợi thế này giúp Cát Bà trở thành địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi ong.

Thương hiệu “Mật ong hoa rừng Cát Bà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chứng nhận. Du khách đến Cát Bà có thể xem quy trình nuôi ong, mua các sản phẩm mật tại hai xã Trân Châu, Xuân Đám vào mùa vụ là tháng 3 dương lịch hàng năm.

Minh Thu (TTXVN)
Thanh niên 9X thành tỷ phú nhờ nuôi ong mật
Thanh niên 9X thành tỷ phú nhờ nuôi ong mật

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau 4 năm lao động miệt mài, cùng với niềm đam mê nghề nuôi ong mật, đến nay, chàng trai trẻ Quách Trung Kiên, sinh năm 1992, thôn Quang Thái 2, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã có trong tay hơn 1.000 đàn ong mật, mỗi năm cho thu lãi gần 1,5 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN