Bắt đầu triển khai từ ngày 20/2, chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 cho bà con nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thời điểm kết thúc.
“Cứu” được giá lúa
Sau hơn 1 tháng triển khai công tác thu mua, đến nay, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã mua hơn 950.000 tấn gạo, đạt khoảng 95% chỉ tiêu đề ra và dự kiến đến ngày 31/3 sẽ hoàn tất thu mua theo kế hoạch. Ngay sau khi có thông tin Chính phủ đồng ý triển khai chương trình thu mua tạm trữ, giá lúa trên thị trường đã tăng so với thời điểm đầu vụ, giúp nhà nông gia tăng được lợi nhuận. Cụ thể, giá bình quân lúa tươi ngoài đồng tăng từ 150 - 200 đồng/kg, đạt 4.400 đồng/kg đối với lúa thường, 4.600 - 5.300 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao, lúa thơm. “Giá thu mua lúa tạm trữ được đánh giá phù hợp với tình hình thực tế trong nước và giá thị trường quốc tế. Qua những dự báo cân đối cung - cầu, năm nay chúng ta có khả năng xuất khẩu 3,5 triệu tấn, giữ mức tồn kho 800.000 - 1 triệu tấn và sẽ đảm bảo giá thu mua tốt cho nông dân”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA khẳng định.
Công ty Lương thực Long An (Tổng công ty Lương thực miền Nam) mua lúa, gạo tạm trữ. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Vụ đông xuân năm nay tỉnh Long An xuống giống hơn 220.000 ha lúa, dự kiến đạt sản lượng 1,5 triệu tấn lúa và nhận chỉ tiêu thu mua tạm trữ 88.000 tấn gạo (tương đương với 150.000 tấn lúa). Còn tại tỉnh Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu cho 6 doanh nghiệp thu mua tạm trữ 58.000 tấn gạo, ít hơn cùng kỳ năm 2012 là 25.000 tấn. “Cả tỉnh xuống giống gần 210.000 ha và đến nay đã thu hoạch 197.852 ha, năng suất bình quân ước đạt khoảng 70 tạ/ha. Hiện các doanh nghiệp giao nhiệm vụ thu mua lúa tạm trữ trên địa bàn đã hoàn tất công tác thu mua. Dù số lượng thu mua ít hơn năm trước nhưng cũng đã góp phần giúp nhà nông giải phóng lượng lúa tồn kho với giá có lãi”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến ngày 19/3, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 1,2 triệu ha lúa đông xuân và dự kiến đến cuối tháng 4/2013 sẽ thu hoạch dứt điểm trên 1,5 triệu ha. Với năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay sẽ đạt trên 10,6 triệu tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ chiếm gần 80%. Chủ trương mua lúa tạm trữ đã kịp thời giữ được giá lúa gạo, tăng thêm thu nhập cho nông dân. Theo ông Phong, năm 2013, xuất khẩu gạo chịu nhiều sức ép về cạnh tranh thị trường, giá cả… nhưng số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đầu năm rất khả quan. Việc tạm trữ lúa gạo sẽ giúp ngành lương thực chủ động hơn trong điều hành sản lượng tiêu thụ gạo trong năm, từng bước đưa công tác tạm trữ thực hiện theo đúng kế hoạch góp phần giúp công tác chỉ đạo, kết quả sản xuất, tiêu thụ lúa hàng năm đi vào ổn định.
Bài toán lợi nhuận cho người nông dân
Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ là đảm bảo giá hợp lý để cho nhà nông có lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua tạm trữ phần lớn không mua trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu qua thương lái. Thực tế này dẫn đến nhiều bất cập. Để đảm bảo lợi nhuận, giá lúa thương lái mua của nhà nông luôn thấp hơn giá niêm yết tại doanh nghiệp. Hơn nữa, trái với mong mỏi của nhà nông, sau khi doanh nghiệp triển khai thu mua lúa tạm trữ, giá lúa chỉ tăng không đáng kể. Theo tính toán của nhà nông, giá thành mỗi kg lúa khô hiện khoảng 5.000 đồng/kg nhưng nhà nông khó đảm bảo lợi nhuận 30% như mong mỏi của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, thời điểm thực hiện tạm trữ lúa gạo cũng chưa hợp lý, triển khai chậm so với thời vụ. Vì thế, khi nhiều nơi nhà nông đã gặt và bán lúa tươi tại đồng nhưng chính sách tạm trữ lúa gạo vẫn còn nằm trên bàn giấy.
Từ kinh nghiệm triển khai công tác thu mua lúa gạo tạm trữ trong vài năm qua, hiện Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng cần kết hợp tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công tác tạm trữ triển khai đúng tiến độ, đúng mục tiêu. Đặc biệt trong các vụ sản xuất tới đây, cần xem xét đẩy sớm thời gian triển khai thu mua tạm trữ, cân nhắc số lượng, giá sàn thu mua phù hợp. Theo các chuyên gia kinh tế, những năm tới, chính sách tạm trữ cần có sự điều chỉnh nhất định để nông dân có lợi nhiều nhất. “Chính phủ nên ban hành Nghị định tạm trữ lúa gạo trước khi thu hoạch lúa và việc triển khai tạm trữ cũng cần căn cứ tình hình thực tế từng địa phương chứ không thực hiện đồng loạt như hiện nay. Tùy theo cơ cấu mùa vụ từng địa phương, nơi nào thu hoạch vụ lúa đông xuân trước sẽ mua trước và ngược lại”, ông Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL nhận định.
Lê Nghĩa