Thu hút vốn FDI phải đảm bảo môi trường

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn là một trong những trụ cột cho phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Nhưng trước đây chúng ta mới chỉ quan tâm đến số lượng dự án FDI thu hút được mà chưa thật sự chú ý đến vấn đề môi trường do các dự án này gây ra. Vì vậy, việc thu hút FDI vào các dự án ít gây tác động xấu tới môi trường - hay còn gọi là "FDI carbon thấp - LCF" nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã và đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam.


 

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Mtex - Semicoductor Nhật Bản (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong một vài thập kỷ gần đây, các nước có nền kinh tế phát triển kinh tế đều hướng tới một nền kinh tế “xanh” hay còn gọi là “nền kinh tế carbon/carbon thấp” để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài ở cả 3 trụ cột xã hội, kinh tế và môi trường.


Do vậy, các nước phát triển đã cam kết cắt giảm khí thải nhà kính tại Nghị định thư Kyoto vì lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu và nhiệt độ trái đất đang tăng lên. Nhiều nước còn tự nguyện công bố chiến lược tăng trưởng xanh, ít carbon và có những biện pháp, thu hút FDI carbon thấp (Low-carbon FDI-LCF), để tận dụng nguồn vốn này cho mục tiêu cắt giảm CO2.


Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế vẫn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nên cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Mặc dù nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng khá nhanh so với các nước trong khu vực, đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI, là dấu hiệu báo động về môi trường.


Qua số liệu điều tra của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hơn 10 năm trở lại đây, không chỉ nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường nước, không khí đã được thực hiện ở Việt Nam, mà còn có nhiều dự án FDI thâm dụng năng lượng và có cường độ phát thải khí CO2 cao được đưa vào đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hà Nội là địa phương thu hút được số lượng lớn vốn FDI chiếm hơn 20% tổng số dự án FDI của cả nước. Chính vì thế, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do các dự án FDI gây nên.


Thời gian qua Hà Nội cũng như một số địa phương trong cả nước đã thu hút được các dự án LCF nhưng còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân do các chủ đầu tư còn lưỡng lự giữa lợi ích thu được và chi phí bỏ ra, trong điều kiện Việt Nam chưa có quy chế bắt buộc về cắt giảm phát thải CO2. Từ thực tế đó, Việt Nam cần phải có những biện pháp cụ thể không chỉ thu hút được những dòng FDI mới, tiềm năng và thân thiện với môi trường, mà còn tăng cường các biện pháp quản lý về môi trường đối với các doanh nghiệp FDI đã và đang hoạt động trong nước hiện nay.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng: Tuy Việt Nam chưa phải cam kết giảm phát thải CO2, nhưng lại là một trong 5 nước chịu tổn thất lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện nước ta mới tập trung vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng chưa quan tâm sâu sắc vào hạn chế sự nóng lên của trái đất. Do đó, nếu không quan tâm đúng mức đến việc lựa chọn chất lượng dự án đầu tư, không bao lâu nữa Việt Nam sẽ trở thành “bãi đậu” của các dự án phá hoại tầng ô zôn, làm gia tăng nhanh chóng nhiệt độ trái đất. Đặc biệt, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra cho Việt Nam sẽ tăng cao hơn. Cho đến khi nước ta tham gia cam kết đối phó với biến đổi khí hậu, thì cái giá phải trả cho việc xử lý các “bãi rác thải” này và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ không hề nhỏ.




Văn Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN