Thiếu vốn xây dựng hệ thống thu nhiệt khí thải

Ngành công nghiệp xi măng sử dụng nhiều năng lượng, thải ra nhiều khí thải với nhiệt độ khí lên tới 3500C. Trong khi các nước trên thế giới áp dụng phương pháp thu nhiệt khí thải để phát điện, thì nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được hệ thống thiết bị để tận dụng nguồn năng lượng này.

Vượt quá sức doanh nghiệp

Tại Quyết định 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các dự án xi măng đầu tư mới có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải phải đầu tư ngay hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Cùng đó, các nhà máy xi măng đang hoạt động và các dự án xi măng đang triển khai đầu tư nhưng đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị từ trước ngày Quyết định 1488 có hiệu lực (29/8/2011) cũng phải hoàn thành đầu tư hạng mục này trước năm 2015. Đối với các nhà máy xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày, Chính phủ cũng khuyến khích nghiên cứu đầu tư hệ thống này.

Nhà máy xi măng Sông Thao, Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN


Mặc dù vậy, theo ước tính sơ bộ, chi phí đầu tư trung bình mất khoảng 2 triệu USD/1MW thì tổng vốn cần thiết cho hệ thống thu nhiệt phát điện của các dây chuyền xi măng trong diện phải đầu tư lên tới 650 triệu USD. Số tiền này vượt quá xa khả năng của doanh nghiệp nếu không có sự trợ giúp từ nguồn vay ưu đãi.

Theo số liệu của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tính đến thời điểm này, Việt Nam mới có 4 nhà máy đã đầu tư trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải và cho kết quả tốt về năng lượng cũng như sự cải thiện môi trường lẫn hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên con số này vẫn là quá nhỏ so với khối lượng phải hoàn thành theo mục tiêu đặt ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong 3 năm qua, để làm lành mạnh thị trường tiền tệ, các chính sách tín dụng siết chặt và đầu tư công cũng tiết giảm nên việc vay vốn không dễ. Bản thân các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng cũng chịu tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế, trong khi đó, khoản đầu tư này lại rất lớn nên vượt quá sức của doanh nghiệp. Nếu không tìm được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp thì mục tiêu trên sẽ còn tiếp tục bị trì hoãn.

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay số hội viên là các doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn có dây chuyền công suất 2.500 tấn clinker/ngày trở lên chưa xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải là 21 đơn vị. Tổng công suất thiết kế của 21 doanh nghiệp này là 48 triệu tấn xi măng/năm. Do đó, nếu số doanh nghiệp này đầu tư trạm phát điện nhiệt khí thải sẽ thu về khoảng 240 MW, nhưng chi phí đầu tư ước tính cũng lên tới 480 triệu USD. Gần đây đã có 18/21 đơn vị lập phương án đầu tư trạm phát điện nhiệt khí thải với tổng số dây chuyền cần đầu tư là 23 và ước đạt công suất 185 MW. Tuy nhiên, tổng kinh phí cần đáp ứng là 370 triệu USD nên chưa thu xếp được vốn để thực hiện.

Cần nguồn vốn vay lãi suất thấp

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) có dự án nâng cao hiệu quả và đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam thông qua việc hỗ trợ vốn vay để thực hiện các dự án trong nhóm. Tuy nhiên, chia sẻ của ông Nguyễn Quang Trung - Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - TNHH một thành viên Fico cho thấy, mặc dù được kết nối vay vốn từ WB nhưng mức lãi suất tính chung vẫn khoảng 10%/năm. So với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì mức lãi suất cùng suất đầu tư cho hệ thống tận dụng nhiệt thừa trong sản xuất xi măng còn quá cao.

Cùng chung lo lắng về vốn, ông Trương Quốc Huy - Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Bút Sơn cho rằng, nếu tìm được các nguồn vốn vay với lãi suất thấp thì doanh nghiệp cũng rất muốn đầu tư hệ thống này bởi nó giúp đơn vị chủ động được một phần nguồn điện phục vụ sản xuất.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nếu hoàn tất việc đầu tư cho các dây chuyền này có thể tạo ra 325 MW. Điện năng nhiệt khí thải này sẽ thay thế cho điện của nhà máy nhiệt điện nên mỗi năm có thể làm giảm lượng khí nhà kính CO2 thải ra của toàn ngành xi măng (xấp xỉ 2 triệu tấn).

“Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải của một nhà máy xi măng có thể cung cấp từ 20 - 30% lượng điện sử dụng của toàn nhà máy đó mà hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu”, ông Cung cho hay.

Hiện Bộ Xây dựng cùng Hiệp hội Xi măng Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ đưa danh mục đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt thừa của khí thải để phát điện vào nhóm danh mục được ưu đãi đầu tư nhằm giúp doanh nghiệp giải bài toán vốn. Trên thực tế, hệ thống thu nhiệt vẫn bị xếp vào nhóm danh mục đầu tư thiết bị dây chuyền sản xuất xi măng nên không được ưu đãi.

Thu Hằng
Giảm ô nhiễm khí thải từ tàu biển
Giảm ô nhiễm khí thải từ tàu biển

Hiện nay hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí... đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm biển. Dầu được sử dụng làm nhiên liệu, bôi trơn, thủy lực cho tàu, cho đến dầu hàng do tàu vận chuyển; hóa chất lỏng trên tàu... được xả thải ra môi trường là một trong các nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN