Thiếu quy hoạch nguồn thủy cầm

Việt Nam hiện là nước có đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới với chủng loại rất phong phú. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này đang đặt ra bài toán đối với ngành về công tác quản lý cũng như quy hoạch nguồn giống sao cho hiệu quả.


Chưa kiểm soát được chất lượng con giống


Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang quản lý các đàn giống gốc dòng thuần và đàn giống ông bà, nuôi tại ba cơ sở là: Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Hà Nội), Trại vịt Bến Cát (Bình Dương) và Trại vịt Cẩm Bình (Hải Dương). Các đàn giống bố mẹ do các địa phương quản lý. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh, thành, có tới 95% các cơ sở nuôi gia cầm bố mẹ trong nông hộ và các cơ sở ấp trứng gia cầm không đăng ký, khai báo với chính quyền địa phương. Vì vậy, các sở NN&PTNT không thể quản lý được số cơ sở cũng như chất lượng, số lượng gia cầm bố mẹ.


Chăm sóc đàn thủy cầm thương phẩm tại một hộ chăn nuôi ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).


Các cơ sở sản xuất giống gia cầm này hoạt động tự phát, thiếu quy hoạch vùng giống, loại giống. Đây cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng chỗ thì dư thừa, chỗ thì thiếu hụt giống trong sản xuất. Điển hình các tỉnh miền Bắc luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”, dẫn đến việc nhập lậu con giống qua biên giới diễn ra thường xuyên. Việc kiểm dịch gia cầm giống đối với các cơ sở nhân giống mới chỉ thực hiện được khoảng 25 - 30%. 


Ông Trọng cho biết thêm, việc thiếu hệ thống cung cấp giống hoàn chỉnh cũng khiến chất lượng con giống không đảm bảo, không kiểm soát được dịch bệnh.


Xây dựng hệ thống giống 4 cấp


Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nước ta hiện có trên 80 triệu con thủy cầm, đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) về số lượng. Thủy cầm là con dễ nuôi, có khả năng tận dụng phế phẩm nông lâm ngư, các loại côn trùng, thủy sinh. Các giống thủy cầm nước ta cũng được đánh giá có năng suất và chất lượng cao so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Các giống vịt, ngan được phát triển rộng rãi trong toàn quốc, thích nghi với nhiều môi trường sinh thái khác nhau. Tốc độ tăng trưởng bình quân đàn thủy cầm trong thời gian qua là 4%/năm. Trong thập kỷ qua, số đầu vịt tăng bình quân 7%/năm, sản lượng thịt trên 280.000 tấn/năm, trứng đạt trên 2 tỷ quả/năm. Trong những năm tới, ngành chăn nuôi thủy cầm đặt mục tiêu tăng trưởng về số lượng đàn 1 - 1,5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp đạt 50% năm 2015 và 65% năm 2020; sản lượng thịt tăng 8 -10%/năm.


Theo ông Nguyễn Văn Trọng, để đạt được chỉ tiêu trên, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ tổ chức lại hệ thống chọn lọc, nhân giống và cung ứng giống cho sản xuất. Các cơ sở chọn, tạo, nhân giống của Trung ương phối hợp với địa phương xây dựng mạng lưới sản xuất và cung ứng đủ giống bố mẹ cho các cơ sở sản xuất địa phương, phục vụ con giống tại chỗ. Ngành cũng tiếp tục hoàn thiện mô hình hệ thống giống 4 cấp (hay còn gọi là hệ thống giống hình tháp) và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Theo đó, dòng thuần được nuôi giữ tại các cơ sở do Bộ NN&PTNT quản lý; giống ông bà được chọn tạo tại cơ sở giống của Bộ hoặc của tỉnh; đàn giống bố mẹ được nuôi trong các cơ sở giống của tỉnh, của trang trại; gia cầm thương phẩm có trong mọi cơ sở chăn nuôi nông hộ.


Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, muốn nâng cao giá trị chăn nuôi thủy cầm, các địa phương cần cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng một số giống gia cầm bản địa bằng các tổ hợp lai để tạo ra những ưu thế lai đặc trưng. Ngoài ra, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm thủy cầm tốt hơn, ngành phải hoàn thiện chuỗi cung ứng từ khâu chọn giống, cân đối thức ăn chăn nuôi, giảm tỷ lệ chết trong chăn nuôi. “Hiện Hội chăn nuôi đang tư vấn cho Bộ NN&PTNT gấp rút hình thành quy chuẩn kỹ thuật đối với các trại chăn nuôi. Các trại được chứng nhận, có giấy phép sẽ liên kết với nhau thành một chuỗi tạo ra các sản phẩm có ưu thế lai nhiều hơn. Đồng thời, dây chuyền có quy mô càng lớn sẽ giúp giảm chi phí từ đó hạ được giá thành sản phẩm”, ông Vang chia sẻ.

 

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng nhấn mạnh: Ngành chăn nuôi nên phát triển theo hướng nuôi loài ăn nhiều lúa gạo để giảm nhập khẩu ngô. Theo tôi, đây chính là lợi thế của thủy cầm vì thức ăn chủ yếu của vịt là thóc. Hiện mỗi năm nước ta sản xuất tới 43 triệu tấn thóc nhưng ngành chăn nuôi (mà đáng kể là chăn nuôi thủy cầm) mới tiêu thụ hết khoảng 5,7 triệu tấn”, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết.


Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN