'Thiên thần hộ mệnh' giăng bẫy doanh nghiệp

Cách đây hơn 1 năm, khi cái tên Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Trường Sa (gọi tắt là Công ty Trường Sa) đặt chân đến Hải Phòng với mác tư vấn tài chính cho doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khốn khó do khủng hoảng kép của suy thoái nền kinh tế toàn cầu, khiến cho một số doanh nghiệp lớn ở thành phố này như "bừng tỉnh" sau giấc ngủ dài, bởi đã có "thần hộ mệnh". Nhưng nào ngờ, sự việc diễn ra lại không như mong đợi, các doanh nghiệp giờ đây không những bị kìm hãm sự phát triển mà còn đang trong tình trạng "chết lâm sàng"...

 

*Nhận diện Công ty Trường Sa

 

Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Trường Sa có địa chỉ số 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; ngày đăng ký kinh doanh 27/06/2011; vốn điều lệ khoảng 4 tỷ đồng; Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) là Nguyễn Hà Quảng, sinh năm 1971; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ở số nhà 225, Tổ 9, Phường Hoàng Văn Thụ, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Tổng Giám đốc là Ngô Quốc Hùng, địa chỉ số 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Kế toán trưởng là Trần Thị Dung, sinh năm 1964; cùng một số thành viên khác trong HĐQT. Công ty Trường Sa được thành lập với chức năng tư vấn tài chính cho doanh nghiệp, các hoạt động do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hà Quảng trực tiếp chỉ đạo.

 

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai cơn bão tài chính lớn (từ năm 2008-2011), các doanh nghiệp trong cả nước rơi vào trạng thái khó khăn về thị trường, tài chính doanh nghiệp và quản trị các dự án lớn. Các chủ doanh nghiệp mệt mỏi và không chịu nổi các áp lực về tài chính như công nợ, trả lãi kéo dài, lãi quá hạn và các thúc ép của chủ nợ tư nhân. Các tài sản của doanh nghiệp bị mất dần theo thời gian do lãi suất ngân hàng và thị trường đóng băng.

 

Nắm bắt được tâm lý của các chủ doanh nghiệp, thông qua các mối quan hệ của mình, "đội quân" Trường Sa đã nhanh chóng tiếp cận và ký được các Hợp đồng tư vấn tài chính tái cấu trúc với một số doanh nghiệp, gồm: Công ty xi măng Puzolan Đắk Lắc; Công ty xi măng Thanh Liêm Hà Nam (tỉnh Hà Nam); và 3 Công ty ở Hải Phòng: Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng; Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec; Nhóm Công ty TNHH công nghiệp thương mại Thái Sơn (gồm 11 Công ty).

 

Các doanh nghiệp cho biết: Trước khi vào các doanh nghiệp, Công ty Trường Sa đề nghị ký các Hợp đồng tư vấn tái cấu trúc, sau đó cho người của Công ty kiểm soát các số liệu tài chính, từ đó tìm ra các điểm bất hợp lý về tài chính và các hiểm họa từ các khoản vay ngân hàng do thị trường, hoặc do lãi suất mà ra. Tiếp đó, Trường Sa dùng tài liệu này để đàm phán yêu cầu các cổ đông và Ban Lãnh đạo doanh nghiệp phải nhượng lại cổ đông, cổ phần cho các thành viên Trường Sa nắm giữ về hình thức để các thành viên Trường Sa làm việc với các ngân hàng, đàm phán giảm công nợ, chuyển nợ.

 

Mục đích là tạo niềm tin cho cổ đông của các doanh nghiệp, các thành viên Trường Sa nắm giữ cổ đông bằng việc mua lại ngang giá cổ phần hoặc 50%, hoặc 20.000 VNĐ/cổ phiếu. Sau đó, nhóm cổ đông Trường Sa sẽ viết lại thỏa thuận sau khi làm việc với các ngân hàng và cấu trúc xong Công ty thì Trường Sa "cam kết" phát hành lại cổ phần cho các cổ đông cũ. Như vậy, về mặt dân sự thì các cổ đông yên tâm là Trường Sa đã cam kết, nhưng mặt trái là sau khi đăng ký kinh doanh xong tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì bộ phận dịch vụ của Sở này hướng dẫn cho làm tiếp thủ tục để đăng ký hoàn thành chuyển đổi đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu nhìn bề ngoài thì Công ty Trường Sa hoạt động hợp lệ, song những gì mà Trường Sa đã và đang thực hiện tại các doanh nghiệp lại rất đáng hoài nghi...

 

* Doanh nghiệp mắc bẫy!

 

Nhóm Công ty TNHH công nghiệp thương mại Thái Sơn Hải Phòng (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) là một điển hình trong vụ "mua - bán" này. Công ty Thái Sơn do ông Phạm Văn Thụ làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, có tổng số Công ty thành viên lên tới 11 Công ty với tổng nợ đến thời điểm này khoảng 2.160 tỷ đồng. Thực tế, bức tranh tài chính của nhóm Công ty Thái Sơn có số tài sản đảm bảo đủ trả được nợ nếu bán đi tài sản đó. Nhưng việc giá sắt thép giảm, vận hành tài chính không tốt, phải trả lãi ngân hàng cao, lãi vay ngoài cao dẫn đến Công ty lâm vào tình trạng mất thanh khoản. Vì vậy, các yếu tố dẫn đến sai phạm tài chính phát sinh...

 

Tháng 2/2012, khi tiếp cận với nhóm Công ty Thái Sơn, ông Nguyễn Hà Quảng cùng các "cộng sự" đã đưa ra một bức tranh tài chính sau phục hồi và tái cấu trúc Công ty Thái Sơn một cách thuyết phục như: Đảm bảo nguồn tài chính để nhập hàng từ Trung Đông, đàm phán với các ngân hàng để giảm nợ… để tạo niềm tin với ông Phạm Văn Thụ. Nhóm Trường Sa đã trao đổi chỉ tái cấu trúc tài chính được khi và chỉ khi người của Trường Sa tạm thời nắm giữ cổ phần của Công ty Thái Sơn và nhóm Công ty con của Thái Sơn, từ đó mới có thể làm việc với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng để "ép" họ nhượng bộ đối với các công nợ mà Thái Sơn đã vay trước đây.

 

Việc "tái cấu trúc" mà Công ty Trường Sa đem tới Công ty Thái Sơn, đó là ông Phạm Văn Thụ đã bị bắt giữ với tội danh lừa đảo hơn 1.000 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng. Hoạt động sản xuất của Công ty Thái Sơn bị tê liệt, đình trệ, và các thành viên gia đình ông Thụ phải làm một việc bất đắc dĩ: đi vay nợ ngoài để trả lương cho người lao động trong Công ty.

 

Việc "tái cấu trúc" mà Công ty Trường Sa đem tới Công ty Thái Sơn là sự đình trệ trong sản xuất. Ảnh: laodong

 

Một điển hình khác là nhóm Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng. Tháng 10/2011, nhóm cổ đông Trường Sa đã tiếp cận và đàm phán hợp đồng tư vấn tài chính tái cấu trúc doanh nghiệp trên cơ sở những cam kết có tài chính, có nguồn nhân lực, có nguồn hàng để vực dậy Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng đang lâm vào hoàn cảnh nợ nần. Và vẫn kịch bản cũ là phải nhượng lại quyền điều hành Công ty thì mới tái cấu trúc được và hứa bán tài sản Công ty để trả cổ phần cho các cổ đông, việc bán chịu cổ phần giữa các cổ đông cũ và cổ đông mới (Nhóm Trường Sa) được hoàn thành và Nhóm Trường Sa chiếm 97%. Sau đó, nhóm Trường Sa đã tiến hành bổ nhiệm bộ máy quản trị Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng mới: ông Ngô Quốc Hùng làm Chủ tịch HĐQT; ông Cao Chí Cường làm Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT..., các cổ đông cũ (Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng) đã mất hết vai trò HĐQT và quyền kiểm soát.

 

* Hậu quả pháp lý

 

Theo các doanh nghiệp bị Công ty Trường Sa thâu tóm: Dựa vào Luật Doanh nghiệp, các thành viên HĐQT của Công ty không nhất thiết phải là cổ đông của Công ty mà có thể là người được thành viên HĐQT giới thiệu hoặc một người có cổ phần nắm giữ giới thiệu cũng được tham gia HĐQT. Vì vậy, nhóm cổ đông Trường Sa lấy thế áp đảo để bổ sung người của Trường Sa vào tham gia HĐQT để tự ý ra các quyết sách về vấn đề tài sản, những vấn đề mang lại lợi ích cho nhóm cổ đông Trường Sa. Đây là thủ đoạn trong việc chiếm lĩnh bất hợp pháp quyền lợi của các cổ đông cũ. Vì vậy, các doanh nghiệp mà Trường Sa chiếm giữ sẽ nhanh chóng mất hết quyền kiểm soát Công ty và bất lực trước những hành xử không có lợi cho hoạt động của Công ty, quyền lợi của các chủ nợ và con nợ trong việc này cũng mất. Đưa những người điều hành hoặc cổ đông cũ rơi vào vòng lao lý, để nhóm Trường Sa trục lợi những tài sản còn lại...

 

Doanh nghiệp Thái Sơn sẽ không có ai điều hành sau khi chủ sở hữu cũ (ông Phạm Văn Thụ) sa vào vòng lao lý. Nhóm cổ đông mới mang tên Công ty Trường Sa sẽ không làm gì cả để doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có ai làm việc với ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan điều tra hoặc các cơ quan chức năng khác nhằm kéo dài sự tổn thất cũng như sơ hở pháp lý để trục lợi trên kẽ hở của pháp luật. Điều này sẽ làm tổn thất lớn cho các ngân hàng bao gồm hàng giảm giá, lãi suất kéo dài mà không phát mãi được tài sản. Hoặc, nhóm cổ đông mới sẽ thừa cơ hội tẩu tán tài sản hoặc lấy danh nghĩa chủ doanh nghiệp để sử dụng tài sản trái phép...

 

Kể từ khi nhận bàn giao Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng cho tới nay, nhóm cổ đông Trường Sa lấy mác "tái cấu trúc" nhưng không hề điều hành mà bỏ mặc doanh nghiệp chết dần chết mòn, số tiền thiệt hại phát sinh mà doanh nghiệp phải chịu do lãi suất ngân hàng là trên 20 tỷ đồng.

 

Các doanh nghiệp kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các ngành liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét cho giữ giấy phép đăng ký kinh doanh cũ như trước khi chuyển nhượng; đề nghị các cơ quan chức năng thành phố tiếp tục vào cuộc điều tra làm rõ những nghi vấn của nhóm cổ đông Trường Sa.

 

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết: Việc chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp nhằm tái cấu trúc, vực dậy các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn trong giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế hiện nay là điều đáng hoan nghênh. Nhưng thực tế, từ khi Công ty Trường Sa "tiếp quản" những doanh nghiệp này vẫn chưa có động thái, biểu hiện gì thể hiện trách nhiệm của mình, chưa hề có dấu hiệu của việc tái cấu trúc, các doanh nghiệp hầu như không hoạt động, người lao động mất việc làm...

 

Tháng 10/2012, UBND thành phố Hải Phòng đã thành lập Tổ công tác kiểm tra doanh nghiệp gồm các Sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các vấn đề có liên quan đến các doanh nghiệp chuyển nhượng cho Công ty Trường Sa; xem xét có việc những thành viên của Trường Sa lợi dụng chuyện đó để nhằm trục lợi cá nhân hay không? Đặc biệt, vấn đề quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp này phải được kiểm soát chặt chẽ; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý các khoản vay của các doanh nghiệp liên quan đến Công ty Trường Sa để tránh thất thoát tài sản của xã hội.

 

Qua việc chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp ở Hải Phòng với Công ty Trường Sa cho thấy kiến thức về quản trị, về pháp lý, kiến thức và kỹ năng hiểu biết về kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường còn hạn chế dẫn đến các đối tượng cao tay hơn lợi dụng những lỗ hổng này để thâu tóm các doanh nghiệp một cách dễ dàng. Hơn lúc nào hết, bản thân các doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ mình bằng phương pháp quản lý, điều hành đồng bộ và chuyên nghiệp.

 

 

Minh Khánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN