Thị trường Tết sẽ ít biến động về giá

Khác với mọi năm, thị trường Tết Nhâm Thìn năm nay, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh sẽ đỡ lo tái diễn điệp khúc tăng giá, nhờ doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm.

Không lo khan hàng

Nhằm chủ động lượng hàng bình ổn, ngay từ tháng 4, Sở Công Thương thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bắt tay xây dựng kế hoạch nhằm tạo được nguồn cung phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp phục vụ người dân. Theo kết quả kiểm tra của sở, hiện các doanh nghiệp nằm trong chương trình bình ổn đã tăng lượng hàng gấp 3 – 4 lần so với được giao. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động để chuẩn bị cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau tết đạt hơn 5.566 tỷ đồng, trong đó gần 50% vốn do doanh nghiệp tự đầu tư. Đến nay, lượng hàng hóa doanh nghiệp chuẩn bị đã vượt mức chỉ tiêu được giao từ 30 – 40% như: Thịt gia cầm chiếm 85% thị trường, trứng gia cầm khoảng 65%, đường gần 50%, thịt gia súc hơn 32%...

Giá cả các tháng cuối năm dự kiến sẽ ổn định nhờ nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá (ảnh chụp tại siêu thị BigC).

Ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty Vissan, đơn vị chủ yếu cung ứng thịt gia súc, gia cầm, cho biết ngay từ tháng 5, Vissan đã chủ động ký kết hợp tác với các trang trại chăn nuôi để chuẩn bị nguồn hàng. Hiện công ty đã chuẩn bị sẵn sàng khoảng 4.000 tấn thịt/tháng, với tổng kinh phí dự trữ hàng hơn 500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Riêng hệ thống siêu thị Co.opMart đã dự trữ 24.000 tấn hàng thiết yếu, tương đương 2.800 tỷ đồng, tăng 3 - 5 lần so với kế hoạch được giao, bao gồm: 9.000 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm, 1.000 tấn thực phẩm chế biến và 7.000 tấn rau củ quả...

Không chỉ những doanh nghiệp nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố tích cực chuẩn bị nguồn hàng với giá cạnh tranh, các đơn vị thương mại ngoài chương trình cũng đang ráo riết dự trữ hàng hóa cho mùa kinh doanh lớn nhất trong năm. “Chúng tôi dự tính mức tăng trưởng của thị trường Tết năm nay sẽ tăng khoảng 25% - 30%. Tính đến thời điểm cuối tháng 12, chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 600 tấn thịt nguội; 200 tấn kẹo, mứt truyền thống; 700 tấn rau củ quả chủ đạo...”, bà Dương Thị Quỳnh Trang– Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại siêu thị Big C cho hay.

Giá sẽ khó tăng cao

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá dự trữ phục vụ tết đã chiếm khoảng 40% nhu cầu của thị trường. Những nhóm mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản đã được các đơn vị cam kết giá bán thấp hơn thị trường bên ngoài khoảng 10%. Theo bà Đào, do những tháng đầu năm 2011 nhiều mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả tươi sống... đã tăng giá nhiều lần nên khó có thể tăng thêm. Ngoài ra, hiện thời tiết đang rất thuận lợi cho sản xuất nông sản cũng như chăn nuôi, những yếu tố tác động đầu ra ổn định nên khó có biến động tăng. “Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện phương châm mua tận gốc bán tận ngọn, giảm các khâu trung gian nên đã có giá thu mua tốt nhất”, bà Đào nói thêm.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, trường hợp xấu nhất các loại rau củ quả nếu tăng mạnh nhất cũng chỉ ở mức 5 - 10%; các loại mực khô, tôm khô có thể tăng mạnh hơn một chút, thịt heo và thịt gia cầm sẽ ổn định do nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ diễn ra vào những ngày cận Tết khi chi phí vận chuyển tăng và nhà nông đã kết thúc vụ thu hoạch. Nhằm kích thích tiêu thụ, hiện nhiều doanh nghiệp đã công bố hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn vào dịp Tết. Tại BigC, theo bà Trang, hơn 3.000 mặt hàng được giảm giá đến 50%; hệ thống Co.opMart phối hợp với Vissan giảm giá mặt hàng thịt heo và nhiều loại thực phẩm thiết yếu khác với mức giảm giá từ 20 - 30%; hệ thống siêu thị Citi Mart mua hàng hóa có cơ may trúng thưởng các món hàng có giá trị...

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN