Thị trường Tết: Nơi sôi động, nơi trầm lắng

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến gần. Trên khắp các nẻo đường, nơi nào cũng tràn ngập không khí nhộn nhịp mua sắm.

Bức tranh thị trường ngày giáp Tết hiện lên với nhiều gam màu, nơi sầm uất, sôi động song cũng ở nhiều vùng quê, nhất là những hộ chăn nuôi đang lo lắng do giá thịt giảm mạnh, không theo quy luật hàng năm.

Phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Thái Bình đã triển khai trên 50 điểm bán hàng bình ổn giá từ tháng 1 và kéo dài đến tháng 4/2017 tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn. Các mặt hàng bình ổn giá chủ yếu là các nhu yếu phẩm như thóc gạo, đường ăn, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, dầu ăn, nước mắm, mì chính.

Đại diện Sở Công Thương Thái Bình cho biết, đây là hoạt động được tổ chức hàng năm vừa để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, vừa là cầu nối giúp người dân tiếp cận được với các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết với giá cả phù hợp. Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và đúng với tiêu chí bình ổn giá, các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình này phải cam kết không tăng giá trong thời gian tham gia chương trình. Nếu thị trường biến động tăng đến 10% thì các đơn vị này có quyền điều chỉnh giá bán nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường tối thiểu 5% và chịu sự giám sát, kiểm tra của các sở, ngành có liên quan trong thời gian tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá.

Trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai… là nơi tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo, quần áo, đồ nội thất nhất trên địa bàn thành phố Thái Bình. Nhiều ngày nay, các cửa hàng này luôn tấp nập người mua sắm. Cửa hàng kinh doanh bánh kẹo tự chọn Kim Anh (số 221 Trần Hưng Đạo) là một trong những địa điểm bán hàng bình ổn giá tại thành phố Thái Bình.

Chị Trần Thị Kim Anh, chủ cửa hàng cho biết, cửa hàng có hàng nghìn mặt hàng các loại được bày bán, trong đó sữa chiếm khoảng 40%, bánh kẹo 20%, bia rượu 20%, 20% là các mặt hàng tiêu dùng khác.

Ngay từ cuối tháng 11, cửa hàng đã phải tăng cường thêm hàng trăm mặt hàng mới như bánh kẹo, mứt, bia rượu, nước ngọt, thực phẩm đồ khô như miến, măng, nấm… đồ thực phẩm gia đình dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Theo đánh giá của cửa hàng, năm nay sức mua cao hơn năm ngoái, trung bình mỗi ngày cửa hàng thu hút gần 1.000 lượt người tới mua sắm, cao điểm từ ngày 20 tháng Chạp đến nay lên đến 2.000 lượt.

Bên cạnh việc gia tăng mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn, dịp Tết Nguyên đán năm nay nhiều gia đình lại ưu tiên lựa chọn các sản phẩm “handmade”. Chị Hoàng Lan Phương (Khu đô thị 379, Tp. Thái Bình) cho biết, ngoài việc mua những thực phẩm được bày bán sẵn thì năm nay gia đình chị tự tay làm các loại mứt như mứt dừa, carot, bí, mứt gừng hay các loại thực phẩm khác như giò, thịt bò khô… để bảo đảm vệ sinh thực phẩm và phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình, năm 2016 số lượng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,04 triệu con (tăng 4,5% so với năm trước). Trong đó đàn lợn nái trên 195.000 con, lợn thịt 851.600 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 2.400 tấn. Trong khi nhiều mặt hàng gia tăng sức mua và tăng giá nhẹ thì nhiều người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” do giá thịt lợn hơi giảm mạnh. Đây là điều khá bất ngờ với nhiều hộ chăn nuôi bởi theo thông lệ hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán giá thịt lợn sẽ tăng cao. Tuy nhiên, quy luật này không lặp lại với thị trường năm nay.


Gia đình ông Nguyễn Văn Quang (xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư) nuôi 300 con lợn thịt, trong đó có 140 con đã đạt trọng lượng từ 1,3 - 1,4 tạ/con với dự định sẽ cung cấp cho thị trường dịp Tết. Khoảng 3 tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi giảm còn 52.000 - 55.000 đồng/kg, đặc biệt có lúc giảm sâu chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 30 - 40% giá trị so với mọi năm.

Ông Quang buồn rầu nói: Với giá hiện nay, người chăn nuôi rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bán cũng lỗ và giữ lại nuôi, chờ giá cao thì càng lỗ nặng do chi phí chăn nuôi cao. Ông lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài, người chăn nuôi lợn như gia đình ông thiệt hại nặng và nguy cơ không thể tái đàn là hiện hữu.

Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, trong khi người chăn nuôi lợn khó tìm được đầu ra và giá thành thấp thì tại các chợ trên địa bàn thành phố Thái Bình như chợ Đề Thám, Bồ Xuyên, Quang Trung, Lạc Đạo… người mua vẫn phải mua thịt lợn với giá khoảng 70.000 - 110.000 đồng/kg, chỉ giảm khoảng 5.000 đồng - 7.000 đồng so với trước đây.


Thu Hoài (TTXVN)
Sôi động thị trường Tết
Sôi động thị trường Tết

Những ngày giáp Tết, thời tiết tại Đà Nẵng tuy không thuận lợi nhưng hoạt động mua bán vẫn diễn ra tấp nập ở chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN