Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với chủ trương “xanh nhà hơn già đồng”, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ thu hoạch để đảm bảo mùa vụ tiếp theo.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, giá lúa ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, một số loại tăng, giảm nhẹ. Tại Sóc Trăng, giá lúa tương đương so với tuần trước, như: RVT là 7.450 đồng/kg, OM4900 là 8.000 đồng/kg… Riêng Đài thơm 8 là 8.000 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với tuần trước; ST24 là 8.250 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Còn tại Trà Vinh, lúa IR50404 có giá 6.900 đồng/kg, OM4900 là 7.000 đồng/kg, tương đương tuần trước.
Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa cũng ổn định. Cụ thể, lúa Jamine khô ở mức 6.700 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg. Riêng tại Tiền Giang, giá lúa có sự tăng nhẹ với mức 200 đồng/kg, như: IR50404 là 6.900 đồng/kg, OM4900 là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi trên địa bàn cũng ổn định như: IR50404 là 5.100 - 5.300 đồng/kg; lúa Nhật là 7.500 - 7.600 đồng/kg, OM 5451 là 5.700 - 5.750 đồng/kg, OM18 là từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, riêng Đài thơm 8 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, giảm nhẹ 200 đồng/kg. Ngoài ra, nếp tươi Long An có giá từ 4.400 - 4.600 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn có sự ổn định. Giá gạo Nhật là 17.000 đồng/kg, nếp từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg, Hương Lài 17.000 đồng/kg, gạo thường từ 11.500 - 12.000 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với chủ trương “xanh nhà hơn già đồng”, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ thu hoạch để đảm bảo mùa vụ tiếp theo. Đồng thời, triển khai hệ thống chế biến, tiêu thụ, đảm bảo nông sản không bị ách tắc nhiều như những ngày trước đây.
Trên cơ sở tình hình thu hoạch lúa Hè Thu và theo dõi diễn biến rầy nâu vào bẫy đèn, một số địa phương tỉnh An Giang chuẩn bị bước vào gieo cấy lúa Thu Đông. Vụ này, tỉnh An Giang khuyến cáo nông dân trên địa bàn xuống giống hai đợt để né rầy, phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh.
Vụ Thu Đông, dự kiến An Giang xuống giống gần 170.000 ha. Tỉnh chỉ đạo mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4 đến 5 giống chủ lực, từ 4 đến 5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; trong đó, cơ cấu một giống không quá 20% và phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.
Trong khi thị trường lúa gạo trong nước có sự ổn định thì giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm xuống mức thấp của nhiều tháng tại các vựa lúa lớn ở châu Á giữa bối cảnh nhu cầu giảm trong khi nguồn cung tăng lên. Cùng với đó là đồng baht Thái suy yếu làm gia tăng sức ép cho các thương nhân Thái Lan.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã chạm mức thấp nhất trong hơn 16 tháng, giảm mạnh xuống còn từ 395 - 400 USD/tấn trong phiên 22/7 so với mức từ 465 - 470 USD/tấn trong tuần trước đó. Theo một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân giá gạo Việt Nam giảm là do nhu cầu suy yếu, trong khi giá các nước sản xuất gạo khác đưa ra rất thấp. Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước đang tăng lên khi vụ thu hoạch Hè Thu đang trong giai đoạn đỉnh điểm.
Các thương nhân cho biết thêm, họ đã giảm thu mua từ nông dân do các hạn chế đi lại liên quan đến dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới này sau Ấn Độ và Thái Lan.
Tại Ấn Độ, giá gạo đã chạm mức thấp của 16 tháng do việc chính phủ “giải phóng” các kho dự trữ gạo làm tăng nguồn cung trên thị trường. Giá gạo đồ 5% tấm của nước này được giao dịch ở mức từ 361 - 366 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 364 - 368 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ cho biết việc gieo trồng không được như mong đợi do lượng mưa thấp hơn ở miền Trung và miền Đông Ấn Độ.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống từ 395 - 410 USD/tấn trong ngày 22/7, mức thấp nhất trong gần 20 tháng, so với mức từ 405 - 412 USD/ tấn trong tuần trước đó. Theo một thương nhân tại Thái Lan, đồng baht suy yếu và việc không có người mua là nguyên nhân khiến giá gạo giảm.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản tại sàn Chicago (Mỹ) sụt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần 23/7, với ngô dẫn đầu đà giảm.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 18,25 xu Mỹ (3,25%) xuống 5,43 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 giảm 8,25 xu Mỹ (1,19%) xuống 6,84 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 10,5 xu Mỹ (0,77%) xuống 13,5175 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết, giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT tiếp tục giảm do dự báo thời tiết ẩm ướt hơn tại các bang Iowa, Western Illinois và Tennessee vào cuối tuần tới. Các thương nhân đang chờ đợi báo cáo vụ mùa tháng Tám của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sau nhiều tuần thời tiết thay đổi thất thường.
Mexico đã mua 100.000 tấn đậu tương Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc mua đậu tương từ Argentina trong tuần này. Các nhà phân tích ước tính trận lũ lụt lớn nhất lịch sử xảy ra tại tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc trong tuần này có khả năng làm ảnh hưởng đến từ 15 - 17% sản lượng ngô năm 2021 của Trung Quốc.
Dự báo nhập khẩu từ Argentina và Mỹ sẽ tăng, trong khi tốc độ xuất khẩu ngô ở Brazil giảm xuống còn từ 20 - 21 triệu tấn. Brazil sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới trong niên vụ 2021-2022, sau Argentina.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2021 trên sàn ICE Europe - London tăng 10 USD/tấn lên 1.899 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 trên sàn ICE US - New York giảm 4,65 xu Mỹ/lb xuống 189 xu Mỹ/lb (1b =0,4535 kg). Tại thị trường trong nước, giá cà phê ngày 24/7 đang giao dịch quanh ngưỡng từ 36.700 - 37.600 đồng/kg.
Tình hình thời tiết và dịch bệnh bất ổn tại Brazil và Việt Nam, hai nhà cung cấp cà phê lớn nhất thế giới, đang làm cho thị trường cà phê thế giới nóng lên. Các nước sản xuất cà phê ở khu vực Đông Nam Á phải đang căng mình ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 lây lan, với các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, giới đầu cơ cà phê Brazil không chỉ lo ngại tình trạng sương giá, mà còn lo ngại các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra tại đây. Mới đây nhất là hai đợt băng giá xảy đến trong vòng chưa đầy một tháng ở những vùng trồng cà phê chính của Brazil là Minas Gerais và Sao Paulo, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ trồng cà phê.
Một số đánh giá sơ bộ cho thấy sản lượng cà phê vụ tới sẽ tổn thất từ 1- 2 triệu bao (1 bao=60kg). Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, đánh giá đó là quá lạc quan, bởi trên thực tế mức độ thiệt hại cao hơn rất nhiều, khi mà Brazil chỉ mới bắt đầu bước vào mùa giá lạnh.