Thị trường đồ gỗ hướng đến phát triển bền vững

Việt Nam hiện là một trong 5 nhà cung cấp sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới, đồ gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia trên thế giới, đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam.

 

Do đó, nhiều giải pháp đang được đặt ra trong bối cảnh hiện nay như: quản lý rừng bền vững, đổi mới trong thiết kế, sử dụng các loại gỗ ít được biết đến... nhằm giảm gánh nặng chi phí, chủ động nguồn cung nguyên liệu.

 

* Giảm sức ép lên rừng tự nhiên

 

Đồ gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia trên thế giới. Ảnh: congthuongthainguyen.gov.vn

 

Bên cạnh sự đóng góp của nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng và rừng tự nhiên trong nước, hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi lượng gỗ cung ứng trong nước có hạn, đặc biệt là lượng gỗ có chứng chỉ được khai thác từ khu vực rừng được quản lý bền vững thì nguồn gỗ chứng chỉ nhập khẩu lại có giá khá cao. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HaWa), hiện đa số các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đều đã sử dụng nguồn gỗ hợp pháp nhập khẩu. Tuy nhiên, để giảm giá thành và tiết kiệm chi phí sản xuất, một số DN vẫn lựa chọn phương án sử dụng gỗ chưa đạt chứng chỉ rừng, bao gồm cả gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước và gỗ nhập khẩu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên được nhập khẩu chủ yếu từ các nước lân cận nhưng tính pháp lý của gỗ nhập từ nguồn này thường không rõ ràng. Điều này không chỉ làm thay đổi cơ cấu của rừng tự nhiên mà còn khiến việc tiếp cận với các thị trường xuất khẩu yêu cầu gỗ có nguồn gốc hợp pháp và gỗ đạt chứng chỉ sẽ ngày càng khó khăn và bị thu hẹp. Điều đáng nói là sản lượng lớn gỗ tại thị trường trong nước chưa sử dụng được do yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu đồ gỗ. Do đó vai trò của việc quản lý rừng bền vững rất quan trọng đối với các DN.

 

Nhằm giảm sức ép lên tài nguyên rừng tự nhiên, việc cần thiết phải phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, Chính phủ đã có nhiều hạn chế việc khai thác rừng tự nhiên và bắt buộc các chủ rừng phải áp dụng phương pháp quản lý rừng bền vững. Tại hội thảo “Thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững” do HaWa tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, ông Heiko Wormer – Cố vấn kỹ thuật chương trình Quản lý rừng bền vững lâm nghiệp Việt – Đức cho biết, từ 2006 chương trình đã phối hợp với một số DN để triển khai phương pháp quản lý rừng bền vững tại Việt Nam trên 3 phương diện: môi trường, kinh tế và xã hội. Tháng 8/2011 chương trình lâm nghiệp Việt-Đức đã thành công trong việc hỗ trợ DN Đăk Tô (Kon Tum) đạt chứng chỉ FSC cho gỗ có kiểm soát đầu tiên tại Việt Nam. Trong tháng 3/2012 chương trình cũng phối hợp để hỗ trợ lâm trường Trường Sơn (Quảng Bình) nhận chứng chỉ FSC. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đã được công nhận trên toàn thế giới, khi có được chứng nhận này các DN sẽ dễ dàng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu.

 

Mặt khác, chúng ta có thể chủ động nguồn cung nguyên liệu gỗ dài hạn đồng thời nâng cao hình ảnh của chủ rừng và khả năng tiếp thị của các DN. Hiện tại, lâm nghiệp Đăk Tô khai thác 5.000-6.000m 3 gỗ tròn/năm, lâm trường Trường Sơn (Quảng Bình) khai thác 5.500 m 3 gỗ tròn/năm, trong tương lai, các DN Việt Nam không cần nhập khẩu từ gỗ nước ngoài nữa.

 

* Sử dụng gỗ ít được biết đến

 

Việt Nam còn sở hữu trữ lượng lớn các loại gỗ ít được biết đến nhưng do ít hay chưa được khai thác nhiều trong rừng tự nhiên và cũng chưa biết đến trên thị trường thế giới nên nguồn sử dụng vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, những loại gỗ này ít được biết đến là do thị trường truyền thống ưa chuộng những loại gỗ có giá trị thương phẩm cao; DN và người tiêu dùng chưa hiểu nhiều về chính chất cơ lý, cơ học của các loại gỗ này. Hơn nữa, một số loại gỗ có tính chất khó chế biến, phải áp dụng kỹ thuật sấy đặc biệt… Các chuyên gia cho rằng, cần quảng bá các loại gỗ ít được biết đến để giảm việc khai thác quá mức một vài loài gỗ thương mại có giá trị cao, đồng thời sẽ giúp DN tiếp cận nguồn gỗ hợp pháp trong nước rẻ hơn, có chứng nhận nguồn gốc, sản phẩm xanh. Khi những loại gỗ ít được biết được thị trường chấp nhận thì không chỉ giá trị gỗ cao mà giá trị rừng cũng sẽ được nâng lên, từ đó các chủ rừng sẽ có nhiều lợi nhuận để tái đầu tư lại cho trồng rừng và áp dụng quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, nếu chúng ta sử dụng loại gỗ ít được biết đến cũng sẽ làm giảm gánh nặng nhập khẩu của các DN, hạn chế sử dụng những loại gỗ không rõ nguồn gốc trong rừng tự nhiên từ các nước lân cận.

 

Hiện có 18 loại gỗ ít được biết đến đã được chọn (mít nài, thông nàng, kơnia, dẻ đỏ, bời lông vàng, chò xót, cóc đá…) và phát hiện những tính năng ưu việt của từng loại sau khi lựa chọn được thử nghiệm các tính chất kỹ thuật, cơ học, độ cong, vênh, thử nghiệm tính chất gia công chế biến gỗ như cưa, bào, chà nhẵn... Ông Heiko Wormer cho rằng, khi kết hợp với các DN trong các thử nghiệm này thì phản hồi của các DN sản xuất rất tích cực đối với các loại gỗ mới này và cũng có ý định đặt hàng dài hạn, hi vọng trong thời gian tới các sản phẩm này sẽ được thị trường nội địa chấp nhận. Trong 18 loài ít được biết đến thì loại cóc đá trữ lượng vẫn còn nhiều, đây là loại gỗ tốt có thể thay thế nhiều loại gỗ khác sau này, đã có chứng chỉ gỗ kiểm soát FSC và ứng dụng chuỗi hành trình sản phẩm COC có thể sử dụng sản phẩm này để sản xuất đi châu Âu. Do đó, trong thời gian tới, thách thức là làm sao khuyến khích, quảng bá để những loại gỗ ít được biết đến được khai thác nhiều hơn.

 

* Thiết kế riêng cho thị trường nội địa

 

Bên cạnh thị trường xuất khẩu thì thói quen và thị hiếu của người Việt Nam vẫn sử dụng các sản phẩm đồ gỗ, tuy nhiên, Việt Nam thường xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài nhưng không có thiết kế riêng cho thị trường trong nước. Sản xuất được những sản phẩm do chính mình thiết kế luôn là mục tiêu của sự phát triển chủ động, bền vững của các DN. Tuy vậy, lâu nay việc thiết kế sản phẩm là một trong những “lỗ hổng” của các DN. Theo bà Nguyễn Thị Đằng Loan – Giám đốc chuỗi bán lẻ Nhà Xinh, rõ ràng thị hiếu của người Việt vẫn là đồ gỗ, hiện nay xu hướng thiết kế những sản phẩm từ gỗ được quản lý và phát triển bền vững có nhiều khả năng thành công khi đưa vào thị trường nội địa. Các mẫu sản phẩm được các nhà thiết kế và DN sản xuất, về tính thẩm mỹ và công năng sử dụng người tiêu dùng rất hài lòng nhưng cái khó khăn nhất hiện nay là khâu sản xuất đại trà, rất cần thiết để quyết định sự thành công của sản phẩm.

 

Ông Trần Thiên – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hòa cho biết, việc thiết kế sản phẩm bền vững cho thị trường xuất khẩu đã nói rất nhiều, đã đến lúc phải nghĩ đến thị trường nội địa. Để phát triển bền vững sản phẩm cho thị trường nội địa phải đi theo xu hướng chung của thế giới hay xu hướng sử dụng nhiều trong nước. Hiện thế giới ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm làm từ gỗ tràm vì giá rẻ, chất lượng sản phẩm tốt. Và đây là nguồn gỗ được đánh giá bền vững nhất hiện nay ở Việt Nam, có thể đáp ứng 70% nhu cầu, và với tốc độ phát triển trong tương lai gần đây sẽ là nguồn cung cấp gỗ lớn nhất của nước ta. Hiện tại Việt Nam có 3 cánh rừng tràm được công nhận chứng chỉ FSC (Bình Định: cung cấp 10.000 m 3 gỗ/năm, Quảng Trị: cung cấp 5.000-7.000 m 3 /năm, nhà máy giấy Bãi Bằng mỗi năm cung cấp 10.000 m 3 /năm). Ông Thiên nhấn mạnh, Việt Nam đang sở hữu diện tích tràm khá lớn, và thực tế tràm là nguyên liệu có chất lượng tốt, độ bền dẻo cao, được thế giới đánh giá cao và dùng làm nguyên liệu chính cho đồ trang trí ngoài trời nhưng việc thiết kế sản phẩm và màu sắc khi đưa ra thị trường nội địa vẫn chưa được đánh giá cao, bởi tâm lý của người tiêu dùng là “ngưỡng” khó vượt qua nhất bởi người tiêu dùng Việt Nam rất quan trọng màu sắc và thiết kế… Theo bà Đằng Loan, gỗ tràm là một loại gỗ đang có rất nhiều tại thị trường Việt Nam nhưng để đưa sản phẩm đồ nội thất có sử dụng gỗ tràm đến với người tiêu dùng cần có thời gian. Các nhà phân phối và DN hãy kiên nhẫn trong quá trình đưa sản phẩm mới vào thị trường.

 

 

Việt Âu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN