Thị trường dầu mỏ thế giới giảm "nhiệt" trong tuần qua

Sau khi đi lên nhờ các số liệu kinh tế tích cực tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cùng động thái bơm tiền lãi suất thấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), thị trường dầu mỏ thế giới đã phần nào giảm "nhiệt" và đà tăng có phần chững lại sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đưa ra những phát biểu khá bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2012, đồng thời không cho thấy dấu hiệu nào về một gói nới lỏng định lượng mới (QE3) để hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trong tuần qua, vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 (1/3), giá dầu Brent Biển Bắc đã có lúc tăng lên trên 128 USD/thùng - mức cao nhất trong gần 4 năm qua sau khi thị trường đón nhận một loạt thông tin tích cực từ hai nền kinh tế đầu tầu Mỹ và Trung Quốc, cùng nỗi lo về nguồn cung dầu bị thắt chặt tại quốc gia sản xuất dầu chủ chốt Arập Xêút.

Trong phiên này, giá dầu Brent đã có lúc chạm 128,40 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 23/7/2008, sau khi các phương tiện truyền thông Iran loan tin có một vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Arập Xêút, mặc dù các quan chức Arập Xêút sau đó đã phủ nhận thông tin này.

Thị trường dầu đã bắt đầu tuần qua bằng các phiên rớt giá trong hai ngày đầu tuần do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau nhiều phiên giá dầu tăng mạnh trước đó. Nguồn: Internet


Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc trong tuần qua cũng có lúc leo lên 110,55 USD/thùng - mức cao nhất của hợp đồng dầu này trong vòng 9 tháng qua.
Theo các nhà phân tích, giá dầu sau khi đã leo lên các mức đỉnh cao trên vì thông tin về vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Arập Xêút, và sau khi nước này phủ nhận thông tin đó thì giá dầu có giảm xuống chút ít, song vẫn giữ lại một nửa của phần tăng giá trên. Câu chuyện này rõ ràng cũng khiến các nhà đầu tư tin rằng nguồn cung dầu đang ngày càng trở nên rủi ro hơn.

Thị trường dầu đã bắt đầu tuần qua bằng các phiên rớt giá trong hai ngày đầu tuần do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau nhiều phiên giá dầu tăng mạnh trước đó, cùng những đồn đoán cho rằng Mỹ có thể sẽ sớm mở kho dự trữ dầu chiến lược của nước này để giúp kiềm chế đà tăng của giá dầu.

Thêm vào đó, thị trường còn lo ngại về việc giá dầu liên tục tăng cao sẽ làm yếu đi nhu cầu và tác động xấu đến tiến trình tăng trưởng còn mong manh của kinh tế toàn cầu. Gary Hornby, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn năng lượng Inenco có trụ sở tại nước Anh cho biết, vào tháng 6/2011, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) đã cung cấp cho thị trường 60 triệu thùng dầu trong kho dự trữ dầu chiến lược để "dìm" giá dầu đang cao ngất ngưởng vào thời điểm đó do sự thiếu hụt nguồn cung từ Libi. Bối cảnh hiện nay khiến dư luận cũng đồn đoán về một khả năng tương tự, khiến các nhà đầu tư tranh thủ bán ra chốt lời bằng tiền mặt, đẩy giá dầu đi xuống trong hai phiên đầu tuần.

Tuy nhiên, giá "vàng đen" đã nhanh chóng phục hồi ngay trong phiên thứ Tư (29/2), phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, sau khi ECB công bố gói tái cấp vốn dài hạn lãi suất thấp lần hai trị giá 529,53 tỷ euro (712 tỷ USD) trong vòng 3 năm cho các ngân hàng thương mại trong khu vực Eurozone trước những lo ngại về tình trạng cạn kiệt thanh khoản trong khu vực.

Động thái bơm tiền lần này của ECB phần nào giúp làm giảm bớt những tác động xấu lên thị trường từ những phát biểu khá bi quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2012 của Chủ tịch FED Ben Bernanke, cùng sự "im hơi lặng tiếng" của ông về khả năng FED có thể đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thêm vào đó, giá dầu vẫn được hậu thuẫn từ các số liệu kinh tế tích cực tại hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung Quốc, cũng là hai quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, qua đó củng cố hy vọng nhu cầu dầu sẽ được thúc đẩy.

Thị trường dầu còn được hỗ trợ bởi những lo ngại về tình hình địa chính trị tại quốc gia sản xuất dầu chủ chốt Iran, thành viên lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau Arập Xêút. Triển vọng về nguồn cung dầu trên toàn cầu còn bị đe dọa từ việc sản lượng giảm tại Nam Xuđăng, Xyri và Yêmen.
Tuy nhiên, sau hai phiên tăng mạnh giữa tuần, giá dầu lại giảm trở lại trong phiên cuối tuần 2/3 sau khi đã tăng lên các mức cao nhất trong nhiều năm ở hai phiên trước đó.

Chốt phiên cuối tuần 2/3 tại thị trường Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2012 tăng lên 123,86 USD/thùng, tăng nhẹ so với mức chốt của tuần trước nữa là 123,83 USD/thùng. Còn tại thị trường Niu Yoóc, giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng kỳ lại giảm về 106,51 USD/thùng, thấp hơn mức chốt của cuối tuần trước nữa là 108,23 USD/thùng.

TTXVN/ Tin Tức
Cuộc “thi gan” giữa Iran và thị trường dầu mỏ
Cuộc “thi gan” giữa Iran và thị trường dầu mỏ

Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran đang xảy ra một cuộc “thi gan” giữa quốc gia Trung Đông này với thị trường dầu mỏ thế giới xem ai sẽ là người chịu thiệt trước. Song, dù kết quả thế nào thì thiệt hại cuối cùng vẫn là nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN