Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp và địa phương đang rất quan tâm đến cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải, cũng như cách thức triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Diện tích rừng của người dân ở huyện Gio Linh. Ảnh (tư liệu): Hồ Cầu/TTXVN

Hướng đến sản xuất xanh

Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới.

Nguồn tiền bán tín chỉ carbon sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Được biết, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể tính toán diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ tương đương lượng hấp thụ khí CO2, quy đổi tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Tháng 9/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc. Việc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn. Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon.

Việc hình thành thị trường carbon trong nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, phát thải thấp. Thị trường carbon tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Chẳng hạn đối với các doanh nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lớn với chi phí thấp có thể lập tức đầu tư chuyển đổi công nghệ giảm phát thải và từ đó có thể tăng thêm nguồn thu từ việc bán hạn ngạch dư thừa. Ngược lại, các doanh nghiệp cần chi phí lớn hơn để giảm phát thải có thể mua hạn ngạch từ những đơn vị khác dư thừa hạn ngạch. Doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, đầu tư triển khai những giải pháp giảm phát thải phù hợp nhất.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu…

Để triển khai theo quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, các doanh nghiệp cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31/3/2023. Đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm 1 lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025.

Các doanh nghiệp có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục. Đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bản thân các doanh nghiệp phải có sự chuyển dịch xanh để hướng tới sử dụng các công nghệ ít phát thải carbon cũng như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, theo đó, quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Trên cơ sở tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm cho giai đoạn 2026 - 2030 và hàng năm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, căn cứ theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh, thị trường sẽ xuất hiện các bên có nhu cầu mua hạn ngạch phát thải cũng như các bên có nguồn hàng tín chỉ giảm phát thải.

Để có thể trao đổi trên sàn giao dịch, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon cần phải được xác nhận. Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon để giao dịch nộp đề nghị xác nhận về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh, cấp giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân trong thời gian 15 ngày làm việc.

Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cân đối phân bổ các hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nguồn huy động tài chính xanh và hỗ trợ từ quốc tế.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Tích cực trồng rừng đặc dụng, góp phần tăng cường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam
Tích cực trồng rừng đặc dụng, góp phần tăng cường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

Ngày 23/3, tại khu rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa, 15.000 cây xanh đã được các nhân viên Panasonic Việt Nam trồng và trao tặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN