Thêm trụ đỡ cho nông dân phát triển nông nghiệp hiện đại

Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là xu thế tất yếu được tỉnh Thái Bình xác định trong nhiều năm qua nhằm hướng đến nền nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững. Từ đó, tư duy làm nông nghiệp của những người nông dân mới trên quê lúa đã có sự thay đổi rõ rệt với đội ngũ những nông dân có khát vọng, ý chí làm giàu từ chính ruộng đồng quê hương.

Nhưng để những “hạt mầm” ấy được sinh sôi phát triển rất cần những hệ cơ chế, chính sách đi kèm, đồng hành, tạo đà để nông dân có thêm “trụ đỡ” trong quá trình xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông dân chuyên nghiệp.

Mở hướng đi mới

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh (tư liệu): Thế Duyệt/TTXVN

Với tốc độ đô thị hóa cũng như việc hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp đã kéo lực lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn chuyển dịch sang lĩnh vực lao động khác. Đây là thực trạng chung ở nhiều địa phương; trong đó có Thái Bình, với nhiều diện tích ruộng đất bị bỏ hoang, sản xuất không hiệu quả.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Thái Bình, thời điểm cao điểm nhất hệ số quay vòng đất của tỉnh đạt 5,8 lần, nhưng cũng có thời điểm hệ số này sụt giảm chỉ còn 2,1 lần, cho thấy xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp.

Cũng chính trong khó khăn ấy, từ năm 2015, Thái Bình đã manh nha xuất hiện những nông dân mạnh dạn tiên phong tích tụ, thuê mượn lại ruộng để canh tác. Câu chuyện tích tụ ruộng đất tại thời điểm này còn khá mới với những người đi thuê, cho thuê và cả chính quyền địa phương.

Nhưng chỉ sau gần 10 năm, bức tranh nông nghiệp sản xuất quy mô lớn từ những nông dân đầu tiên mạnh dạn tích tụ ruộng đất tại Thái Bình đã đổi khác. Điển hình như anh Nguyễn Văn Nghị (xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư) tích tụ khoảng 20 ha, chị Trần Thị Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) tích tụ 70 ha sản xuất lúa….

Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết, năm 2020, toàn tỉnh có trên 900 hộ sản xuất quy mô lớn, năm 2022 số hộ tích tụ đất đai từ 2 ha trở lên khoảng 1.700 hộ. Đến nay, con số này đã tăng lên gần 2.700 hộ và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Năm 2022, diện tích tích tụ, tập trung trên 5.600 ha, tăng trên 3.880 ha so với năm 2017 (năm 2017 là 1.792 ha); trong đó diện tích từ 2 ha gần 4.200 ha, chủ yếu là hình thức thuê đất.

Năm 2022 Câu lạc bộ Đại điền đầu tiên của tỉnh đã được thành lập, tập hợp những nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn với số lượng thành viên 300 hộ tích tụ từ hơn 20 ha trở lên, cá biệt đã có những hộ tích tụ hàng trăm ha để sản xuất. Tiêu biểu nhất trong quá trình tích tụ ruộng đất tại Thái Bình là huyện Đông Hưng. Đây là địa phương dẫn đầu tỉnh về số hộ tham gia tích tụ đất đai với trên 500 hộ, diện tích khoảng 1.200 ha; trong đó 67 hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên, 17 hộ tích tụ từ 10 ha trở lên.

Ông Vương Đức Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc tích tụ ruộng đất giúp địa phương này sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Nếu như năm 2018 toàn huyện có tới 400 ha diện tích ruộng hoang thì đến năm 2023 diện tích bỏ hoang chỉ còn 35 ha, chủ yếu ở các vị trí khó canh tác, cạnh khu công nghiệp, chuột bọ phá hại, nước thải ô nhiễm, khu trũng, khó khăn cơ giới hóa...

Qua khảo sát của chính quyền địa phương, dư địa để tích tụ ruộng đất vẫn còn khá nhiều; trong đó có khoảng 10% các hộ có ruộng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp; 20% số hộ có nhu cầu cho thuê, mượn ruộng; 20% hộ nếu giá thuê ruộng hợp lý thì sẽ thỏa thuận cho thuê ruộng; còn 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất. Do vậy, cơ chế, chính sách sẽ là động lực lớn giúp những nông dân có nhu cầu sản xuất lớn tiếp tục tích tụ, đầu tư.

Hỗ trợ sản xuất lớn

Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tập trung, tích tụ ruộng đất. Để khuyến khích nông hộ, doanh nghiệp tham gia tập trung, tích tụ ruộng đất, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, điển hình như Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định về cơ chế chính sách về hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, với hình thức tích tụ, tập trung đất đai theo hình thức thuê đất, UBND cấp xã được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ha kinh phí thực hiện tuyên truyền, vận động người dân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, thuê mặt nước; hộ gia đình, cá nhân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, thuê mặt nước được hỗ trợ bằng tiền tương đương với 20 kg thóc/360 m2/năm, thời gian hỗ trợ bằng thời gian cho thuê đất, thuê mặt nước.

Đối với hình thức tích tụ, tập trung đất đai theo hình thức liên kết hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ha cho tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết hoặc nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân tham gia liên kết hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ bằng tiền tương đương 10 kg thóc/360 m2/năm. Đây là chính sách kịp thời, tạo động lực cho nhiều cá nhân, tổ chức tham gia tích tụ, phục vụ sản xuất quy mô lớn trên địa bàn.

Tuy vậy, với tiềm năng mở rộng sản xuất của những đại điền Thái Bình cùng với thực tiễn cơ chế chính sách hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, cần sớm được tháo gỡ. Theo Điều 129, Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 quy định hạn mức diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Trong khi thực tế hiện nay tại Thái Bình đã có những hộ nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20 ha, các điều kiện nhận chuyển đổi, điều kiện nhận chuyển nhượng còn khá phức tạp, khó khăn cho nông dân.

Ông Đặng Ngọc Tân - thành viên Câu lạc bộ Đại điền Thái Bình phân tích, hiện nay nông dân sản xuất 100 mẫu ruộng cần 4-5 tỷ đồng để đầu tư các chi phí cố định như kho chứa, máy móc, chi phí thuê ruộng. Phần lớn nông dân vẫn đang tự vay theo hình thức tín chấp là chính do số doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng nông dân chưa nhiều. Đây là chi phí lớn đối với người nông dân, chưa kể hiện nay giá vật tư nông nghiệp cao, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên tai, thời tiết, nguy cơ ảnh hưởng sản xuất cao.

Do vậy, anh Tân cũng như nhiều đại điền Thái Bình mong muốn được tạo điều kiện về đất đai để làm kho chứa, lò sấy, bãi mạ. Đồng thời cần nghiên cứu lại cơ chế hỗ trợ những người trực tiếp tích tụ vì hiện nay những người tích tụ ruộng đất đang thực hiện trả cho người cho thuê ruộng theo quy định 10-20 kg thóc/sào/năm.

Đặc biệt, hộ đại điền Thái Bình mong muốn được tập huấn, trang bị kiến thức nông nghiệp hiện đại để có kiến thức, cập nhật khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích. Cùng đó là kết nối với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, từ giống, vật tư nông nghiệp đến đầu ra cho nông sản, đảm bảo sản xuất quy mô lớn hiệu quả hơn. Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình sản xuất của những nông dân mới với cách làm nông nghiệp hiện đại hiện nay.

Thu Hoài (TTXVN)
13 tỉnh, thành chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
13 tỉnh, thành chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Ngày 30/3, tại tỉnh Hà Nam, Khối thi đua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ gồm Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị ký Giao ước thi đua năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN