Thêm nguồn lực để Tây Bắc phát triển

Vừa qua, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Sơn La tổ chức thành công đêm an sinh xã hội với chủ đề “Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.

Hiệu quả trong xúc tiến đầu tư

Trên 26.000 tỷ đồng là con số rất sinh động và ý nghĩa được hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp… cam kết đầu tư cho các tỉnh vùng Tây Bắc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc diễn ra ngày 4/4. Trong đó, ngành ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn tín dụng cho các đối tác là nhà đầu tư vào vùng Tây Bắc với tổng số vốn hơn 4.700 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, vận tải và nông sản; 12 dự án tiêu biểu đã được tổ chức ký kết tại hội nghị; Ban tổ chức đã lựa chọn 15 dự án thuộc địa bàn của 8 tỉnh để trao giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn 9.899 tỷ đồng; ký biên bản thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư 17 dự án trên địa bàn của 4 tỉnh với tổng số vốn 11.941 tỷ đồng. Đây cũng là lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc.

Lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng và Lào Cai trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp trong Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2015.


Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, qua các hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc được tổ chức vào các năm 2009, 2010, 2013, Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc 2015 đã giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng. Qua đó, đã giới thiệu những thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp; những định hướng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ, đầu tư chiều sâu để khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch, các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông lâm sản. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế cửa khẩu. Đây cũng là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vùng Tây Bắc; tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm; tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương và tình hình tín dụng đầu tư, công tác an sinh xã hội ở vùng Tây Bắc.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, khảo sát, lập dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc cam kết chấp thuận đầu tư. Đến nay, ngành ngân hàng đã ký cam kết cho trên 2.200 doanh nghiệp vay vốn và giải ngân được trên 15.000 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đầu tư phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế. Bên cạnh ý nghĩa về kinh tế, việc này còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả nước đối với vùng Tây Bắc, nơi đang giữ vai trò to lớn đối với môi trường sinh thái vùng Bắc Bộ, điều hòa nguồn nước, bình ổn khí hậu; nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là căn cứ cách mạng và an toàn khu của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nơi biên cương phên dậu của đất nước.



Góp phần giúp đồng bào Tây Bắc

Tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” là một nét đẹp trong truyền thống, đạo lý của dân tộc và mỗi con người Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Những năm qua, các địa phương và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đối với vùng nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ tính riêng việc thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ, đến nay 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như: Xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội...

Tại đêm an sinh xã hội với chủ đề “Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc”, đã có 29 đơn vị cam kết tài trợ an sinh xã hội với tổng số tiền 502 tỷ đồng. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng, nguồn động viên tinh thần to lớn của các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đối với đồng bào nghèo vùng Tây Bắc trong suốt quá trình triển khai công cuộc xóa đói giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai, xóa nhà dột nát. Trong đó phải kể đến những đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, đồng hành cùng đồng bào nghèo vùng Tây Bắc bằng cả sự cảm thông, chia sẻ, trách nhiệm, luôn đi đầu trong lĩnh vực an sinh xã hội là ngành ngân hàng, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty xi măng Việt Nam...

Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc 2015 đã gửi một thông điệp tới cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh vùng Tây Bắc. Qua đó, các địa phương cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn, nghiên cứu ban hành nghị quyết, chương trình hành động, các đề án, thành lập ban chỉ đạo và đưa vào nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh sắp tới về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, quan tâm công tác rà soát, điều chỉnh theo thẩm quyền, hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với yêu cầu thực tế; vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước vào địa bàn. Xây dựng và quản lý có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong quá trình vận động, thu hút đầu tư. Củng cố, thành lập và đề cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp địa phương, xác định là đối tác quan trọng của cơ quan chính quyền tỉnh. Chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vướng mắc hoặc báo cáo các bộ, ngành liên quan để cùng có hướng khắc phục, giải quyết đối với các dự án có yêu cầu triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh.

Bên cạnh các nguồn lực từ việc thu hút đầu tư, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đối với công tác an sinh xã hội vùng Tây Bắc sẽ tạo thêm nguồn động lực giúp Tây Bắc ngày càng phát triển bền vững

Bài và ảnh: V.T

Khai thác tiềm năng – kết nối đầu tư vùng Tây Bắc
Khai thác tiềm năng – kết nối đầu tư vùng Tây Bắc

Khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, thành phần kinh tế trong nước và quốc tế là mục tiêu được đưa ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN