Thêm giải pháp để bình ổn thị trường đường

Từ nay đến hết tháng 7/2011, các doanh nghiệp kinh doanh đường không được ký tiếp các hợp đồng mới để giãn tiến độ nhập khẩu. Ngoài ra, các nhà máy đường phải dừng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp đối với hợp đồng đã ký kết nhưng chưa thanh toán, không phải đền bù và không ký thêm hợp đồng mới. Đáng chú ý, doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất phải tập trung ưu tiên sử dụng đường trong nước và cân nhắc tiến độ nhập khẩu phù hợp. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu đường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Đó là nhóm giải pháp ổn định thị trường đường trong nước, đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định tại buổi họp báo về cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011, tổ chức ngày 13/5, tại Hà Nội.

Công nhân đóng bao sản phẩm đường kính trắng RS tại nhà máy đường Kon Tum. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Theo Thứ trưởng Biên, nếu như năm ngoái giá đường tăng cao đến chóng mặt, người dân phải mua đường theo kiểu “phân phối”, đường được đưa vào danh sách những mặt hàng bình ổn giá thì năm nay hoàn toàn ngược lại. Tính đến hết tháng 4, sản lượng đường đạt gần 900.000 tấn, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ tăng 23,1%, tồn kho cuối kỳ gần 530.000 tấn, vượt lượng tồn kho cùng kỳ năm trước là 142.000 tấn, tăng 37,2%. Tình trạng cung vượt cầu khiến giá đường trong nước giảm mạnh trong thời gian gần đây. Điều này cũng làm cho doanh nghiệp sản xuất gặp không ít khó khăn trong việc tìm thị trường nhằm giảm lượng đường tồn kho, trả vốn vay ngân hàng và đầu tư trồng mới, còn nông dân trồng mía thì "méo mặt".

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Các nhà máy đường đang lo lắng vì lượng tồn kho lớn, có nhà máy tồn kho vài chục nghìn tấn, vốn ứ đọng nhiều, trong khi đó lãi suất ngân hàng cao, quay vòng vốn khó. Giá đường trong nước giảm mạnh do giá đường trên thế giới giảm, từ trên 700 USD/tấn hồi tháng 3 giảm còn dưới 600 USD/tấn (ngày 4/5). Mặt khác, tình trạng đường nhập lậu vào Việt Nam vẫn chưa ngăn chặn được, chủ yếu là đường từ Thái Lan nhập qua đường biên giới Tây Nam, cửa khẩu Lao Bảo... ngày càng lớn về quy mô, có thời điểm cao tới 400 - 500 tấn/ngày cũng đã tác động kéo giá đường Việt Nam xuống.

Hiệp hội Mía đường đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giãn tiến độ nhập khẩu đường năm 2011 sang tháng 8/2011 trở đi hoặc chuyển sang vụ sau. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ vốn cho các nhà máy đường, như: Tăng hạn mức cho vay theo yêu cầu sản xuất của nhà máy, đảm bảo tiêu thụ hết mía cho dân; áp dụng lãi suất ưu đãi tương ứng với lượng hàng tồn kho theo chương trình bình ổn giá của Chính phủ. Đặc biệt, các ngân hàng cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn cũng như có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và thu mua mía đường.

Uyên Hương

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN