Thêm cơ chế minh bạch trong tái đầu tư công

 

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong chương trình tái đầu tư công sẽ được Chính phủ quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, bằng việc chuyển kế hoạch đầu tư hàng năm sang đầu tư trung hạn. Đây được xem là cơ chế minh bạch nhất nhằm chống tiêu cực, chống tham nhũng và lãng phí. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) Bùi Quang Vinh xung quanh vấn đề này.

 

* Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào sau gần 3 năm thực hiện Chương trình tái đầu tư công theo Nghị quyết số 11 của Thủ tướng Chính phủ?


Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ là một Nghị quyết (NQ) rất toàn diện. Đây là một dấu mốc để chuyển từ những chủ trương trước đây là phát triển nhanh và bền vững sang một chương mới phù hợp với tình hình chung của thế giới cũng như nội tại của kinh tế Việt Nam là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý. Đây là NQ toàn diện với 8 nội dung xuyên suốt để giải quyết những vấn đề trên. Trong đó, có một nội dung liên quan đến đầu tư, đó là cần siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công.


Trong NQ 11 có nêu 3 nội dung chính để hạn chế giảm bớt đầu tư công, góp phần kiềm chế lạm phát là: Cần có chế tài kiểm soát đầu tư công một cách chặt chẽ; tránh đầu tư tràn lan và tạm dừng tất cả khởi công mới trong năm 2011. Sau gần 3 năm thực hiện, NQ 11 đã đi vào cuộc sống rất tốt, tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô và đã kiềm chế được lạm phát.


Công trình Nhà ga T1 mở rộng tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) vừa được khánh thành trước Tết.


Ngay sau khi thực hiện NQ 11, Chính phủ đã tiếp tục triển khai một loạt văn bản khác. Trong giai đoạn 2011 - 2013, tổng vốn đầu tư công đều giảm, tốc độ năm sau nhanh hơn năm trước (tỷ trọng đầu tư công thấp hơn, lượng tiền giảm đi). Số lượng dự án khởi công mới trong 3 năm qua liên tục giảm để dồn vốn vào những dự án đang dở dang, đưa dự án vào sử dụng, nâng cao hiệu quả. Nếu như giai đoạn trước, hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng tổng hợp của vốn đầu tư phát triển) rất cao, vào khoảng 7,3%, thì 3 năm vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 5,6%, đây là một trong những thành công. Vốn ít nhưng vẫn đảm bảo được tăng trưởng. Mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa vào vốn, nhưng đồng vốn đã bước đầu sử dụng có hiệu quả hơn.

 

* Vâng, thưa Bộ trưởng, lại có ý kiến cho rằng “việc tái cấu trúc đầu tư công mới chỉ là đề bài còn khâu thực hiện chưa quyết liệt, chưa mạnh mẽ như yêu cầu đặt ra”?


Tôi khẳng định: NQ 11 không phải là NQ chuyên đề về đầu tư công mà trong 3 năm qua, dấu ấn quan trọng nhất để thay đổi cơ bản về đầu tư công là nhằm hạn chế dàn trải, nâng cao hiệu quả là Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/10/2011. Chỉ thị này quy định nhiều điểm mới và rất chi tiết.


Ví dụ: Ai ký quyết định thì phải đảm bảo có nguồn lực thực hiện chứ không phải có thẩm quyền là cứ ký cho làm mà không có tiền để rồi nợ tràn lan. Chỉ thị cũng giao cho địa phương được quyền quản lý danh mục đầu tư và phê duyệt dự án nhưng được Trung ương giám sát thông qua thẩm định. Khi quyết định dự án đầu tư mới, địa phương phải báo cáo với Bộ KH - ĐT và Bộ Tài chính xem xét trước khi trình Chính phủ: Dự án có tiền để làm không và có đáng làm không, còn nếu không thì trả lại.


Ngoài ra, còn có những quy định rất chặt chẽ về thời hạn hoàn thành với từng loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, như nhóm B thì không quá 5 năm, nhóm C cũng không quá 3 năm, phải bố trí đủ vốn để hoàn thành chứ không được kéo dài như thời gian vừa qua. Nếu kiểm tra thấy trong 3 năm đó không bố trí đủ vốn được cho dự án nhóm C thì sẽ có chế tài xử lý, cấp trên có thể sẽ yêu cầu dừng dự án hoặc bố trí thêm vốn để đủ hoàn thành, không để dàn trải...


Không chỉ có vậy, Chính phủ còn đề ra nhiều giải pháp rất căn cơ và chưa có tiền lệ: chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm trong đầu tư xây dựng cơ bản sang đầu tư trung hạn. Đây là cơ chế minh bạch nhất, chống tiêu cực, chống tham nhũng lãng phí, chống chạy chọt trong đầu tư.


Trước đây chúng ta bố trí vốn đầu tư theo năm, nhưng phải 5 - 7 năm mới xong một công trình, ít nhất 3 năm mới xong một chương trình nhóm C, nhóm A còn dài hơn nhiều. Vậy mà chủ đầu tư không biết mình có bao nhiêu tiền. Năm nay được bố trí từng này, năm sau lại trông chờ xem đi xin được bao nhiêu. Nếu như chúng ta không chủ động được thì sẽ không bao giờ tạo hiệu quả trong đầu tư được cả. Hàng năm cứ phải đi xin như vậy sẽ tạo ra tiêu cực, không minh bạch và nhiều khi sử dụng vốn không hiệu quả. Ngoài ra còn nhiều chính sách rất mạnh mẽ khác đã được triển khai trong thời gian qua và chúng ta đã hoạt động rất tích cực. Nếu nói tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ là đề bài thì không đúng. Chúng ta đã làm rất căn cơ và bài bản.

 

* Thưa Bộ trưởng, năm 2014, chúng ta có những giải pháp nào tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư công?


Như tôi đã nói ở trên, năm 2014 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện việc chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm trong đầu tư xây dựng cơ bản sang đầu tư trung hạn. Nếu như chúng ta không chủ động được điều này thì không bao giờ tạo ra hiệu quả trong đầu tư. Chính phủ đã chính thức ký kế hoạch trung hạn 2 năm 2014 - 2015 cho tất cả các bộ, ngành và các địa phương. Tôi khẳng định: Đây là một chuyển đổi vô cùng quan trọng và thực sự căn bản.

 

* Việc tái cơ cấu đầu tư công theo hướng minh bạch, hiệu quả, trong quá trình đó có liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Bộ KH - ĐT có gặp trở ngại nào thưa Bộ trưởng?


Đúng là những quy định chế tài đều đã rất rõ ràng nhưng không phải mọi địa phương, mọi bộ, ngành đều thực hiện một cách nghiêm túc, bởi họ chịu rất nhiều sức ép. Có thể nói chúng ta đã quen cách làm được quyền quyết định, được quyền bố trí và còn nhiều vấn đề khác, nên không thể ngay lập tức mà các bộ, ngành và địa phương đều tuân thủ răm rắp. Đơn cử thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 1792, chúng ta đã gặp không ít khó khăn nên dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, có nhiều công trình kiểm soát nhưng chưa chặt chẽ. Do đó, tỷ lệ thực hiện Chỉ thị 1792 cũng không được theo ý muốn. Các địa phương chưa quen và chịu áp lực rất nhiều đối với các công trình dở dang, hơn nữa dù tiền ít nhưng vẫn muốn khởi công mới. Do đó, năm 2012 chúng tôi chậm giao kế hoạch và Quốc hội đã phê bình. Tuy nhiên trong năm 2013, tình hình đã có nhiều tiến triển và có sự hợp tác tích cực từ phía các bộ, ngành và địa phương.

 

* Nhìn bên ngoài, có vẻ như tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ là siết chặt các khoản đầu tư nhưng còn việc phải huy động vốn để thực hiện các dự án có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa Bộ trưởng?


Nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công giảm dần là quy luật chung của các nước và ở Việt Nam cũng vậy. Tôi cho rằng, một trong những giải pháp rất quan trọng là huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tham gia vào xây dựng, kết cấu hạ tầng và cung ứng các dịch vụ công của đất nước. Chúng ta cần phải mở ra một chương mới, đó là cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia vào đầu tư công, mà đặc biệt tư nhân. Các thành phần này là ở khu vực trong nước và nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước có thể tham gia vào dịch vụ công như: dịch vụ y tế, giáo dục, đường sá và cầu cảng...


Đây chính là nội dung quan trọng trong đầu tư công mà Chính phủ đề ra trực tiếp giao cho Bộ KH - ĐT soạn thảo văn bản pháp luật này. Bộ đang soạn thảo hợp nhất Nghị định 108 về hướng dẫn Luật Đầu tư cùng với Quyết định 71 về thí điểm đối tác công tư thành một nghị định chung là Nghị định PPP (Nghị định về đối tác công - tư) để khuyến khích lĩnh vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lớn cũng như các dịch vụ cung ứng đầu tư công. Đây là một hướng rất quan trọng trong chiến lược mở ra nguồn lực để đầu tư cho đất nước trong trung hạn và dài hạn.


* Xin cảm ơn Bộ trưởng!


“Nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công giảm dần là quy luật chung của các nước và ở Việt Nam cũng vậy. Tôi cho rằng, một trong những giải pháp rất quan trọng là huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tham gia vào xây dựng, kết cấu hạ tầng và cung ứng các dịch vụ công của đất nước”.



Minh Phương

Giải quyết bất cập trong đầu tư công

Đầu tư công của Việt Nam trong những năm vừa qua đã có những đóng góp rõ rệt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN