Thay đổi cách tiếp cận để phát triển ngành ca cao

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, cây ca cao có rất nhiều tiềm năng để phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, thời gian qua diện tích ca cao giảm từ 25.700 ha năm 2012 xuống chỉ còn 16.800 ha trong năm 2014, nhiều nơi người nông dân vẫn chưa mặn mà với loại cây này. Thực trạng này đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần có những giải pháp phù hợp để phát triển hiệu quả ngành cacao.

Tiếp cận chưa hợp lý

Ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc phát triển ca cao Việt Nam của Công ty Mars Incorporated (Hoa Kỳ) cho biết, trước năm 2002, ca cao ở Việt Nam được phát triển dưới dạng khảo nghiệm. Sau đó, ca cao được đưa vào dưới dạng các dự án phi chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo. Đối tượng mà các dự án này hướng đến là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, ít lợi thế về đầu tư, không đủ tiềm lực để phát triển cây công nghiệp lâu năm.

Theo ông Lâm, hầu hết diện tích ca cao ở các nông hộ có quy mô tương đối nhỏ, chủ yếu thuộc dự án phát 100 cây giống, 200 cây giống nên thời điểm năm 2011 - 2012 giá ca cao xuống thấp, các hộ này sẵn sàng chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng, rõ ràng việc đầu tư phát triển ca cao ở Việt Nam chưa thật hợp lý. Việc nhìn nhận cây ca cao là cây giảm nghèo như trước đây thực sự không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đa số, các chương trình dự án phát triển ca cao đều đưa về các vùng sâu vùng xa, nhưng mức độ tài chính cũng như trình độ kỹ thuật của bà con ở đây vẫn còn hạn chế. Điều này làm cho chương trình phát triển ca cao không có hiệu quả và sức lan tỏa kém do khi dự án kết thúc cũng là lúc cây ca cao bị thay thế bằng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế và sức hấp dẫn hơn.

Ca cao trồng xen trong vườn cây điều ở xã Bom Bo (Bình Phước). Ảnh: Văn Khánh-TTXVN


Ngành ca cao còn phải đối mặt với những bất lợi khác do “sinh sau, đẻ muộn”. Theo ông Phan Văn Khổng, Trưởng Ban điều hành dự án phát triển ca cao ở Bến Tre, từ năm 2012 đến nay, cây ca cao đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các loại cây trồng xen khác như cây bưởi da xanh và một số loại cây có múi. Ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, hầu hết diện tích đất màu mỡ đã được dành cho các loại cây trồng khác có lịch sử phát triển lâu đời như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, có tới 90% diện tích ca cao được trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác như: ở khu vực Nam Bộ ca cao chủ yếu được trồng xen kẽ với dừa, cây ăn quả; Đông Nam Bộ, Tây Nguyên thì trồng xen cây điều, cà phê.

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, hầu hết các biện pháp kỹ thuật áp dụng đối với trồng cây ca cao chưa thực sự đạt yêu cầu. Cụ thể, đa số các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào cây ca cao ở Tây Nguyên là kỹ thuật trồng cà phê, còn miền Tây là kỹ thuật trồng cây ăn quả. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như mức độ thu hút nông dân tham gia vào ngành hàng này.

Cần nâng cao giá trị gia tăng

Ông Đinh Hải Lâm cho rằng, cây ca cao phải được nhìn nhận là một lựa chọn tốt về kinh tế. Bên cạnh đó, cần sự tham gia của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư thông qua việc thành lập các trang trại, vườn cây có quy mô lớn, liên kết chặt chẽ hơn với nông dân trong chuỗi sản xuất. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng, cung cấp vật tư đầu vào và tạo dựng hệ thống thị trường cho các nông hộ nhỏ tham gia.


Là một đơn vị tiêu thụ ca cao tại Việt Nam , ông Nguyễn Mộng, Giám sát bộ phận thu mua của Công ty TNHH Cargill Việt Nam cho biết, trong niên vụ 2013-2014, chất lượng ca cao Việt Nam được thế giới ghi nhận khá tốt. Tuy nhiên, chất lượng ca cao trong nước vẫn đang gặp một số vấn đề cần phải cải thiện như: tình trạng ca cao có mùi ôi do thùng không đạt kỹ thuật, kỹ thuật lên men chưa đúng, mưa không phơi hạt được, trữ trái bệnh quá lâu, ủ thối trái xanh... Để khắc phục tình trạng này cần thành lập các trung tâm sơ chế lớn có năng lực đầu tư lò sấy, sân phơi, nhà bạt nilon ở những nơi sản xuất tập trung.
Theo TS Phạm Hồng Đức Phước, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, năng suất ca cao phải đạt 2 kg/cây/năm mới có thể cạnh tranh nổi với các cây lâu năm khác. Thực tế cho thấy nhiều vườn ca cao hiện nay nếu được chăm sóc kỹ thuật đúng cách sẽ cho năng suất khá cao lên tới 2,5 - 3 kg/hạt/cây. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần thực hiện tốt khâu chuyển giao công nghệ cho nông dân ở các địa phương để giúp họ nắm bắt kỹ thuật.

Để phát triển ngành hàng ca cao trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, Cục Trồng trọt đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương phát triển ngành hàng ca cao nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân qua phương thức xen canh để cung cấp nguyên liệu cho ngành bánh kẹo trong nước và hạt thô xuất khẩu. Cục cũng đề xuất bổ sung ca cao vào danh mục cây trồng có tiềm năng phát triển theo hướng nâng cao giá trị trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát triển ca cao trong vùng quy hoạch, hạn chế trồng ngoài vùng quy hoạch, phân tán, quy mô nhỏ lẻ; gắn doanh nghiệp thu mua, chế biến với nông dân, xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng lớn gắn với cam kết giá sàn.


Hứa Chung

Ca cao khó thay cà phê già cỗi
Ca cao khó thay cà phê già cỗi

Một hướng đi mới đang mở ra đối với việc xử lý diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên: Chuyển một phần sang trồng cây ca cao, thay vì trồng lại cà phê. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc chuyển đổi này khó khả thi trong thời điểm hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN