Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) 3 tháng đầu năm ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 10%. Tuy nhiên, tại giao ban trực tuyến về xuất khẩu 3 tháng đầu năm hôm qua (5/4) do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều hiệp hội ngành hàng bày tỏ khó khăn do chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao.

Xuất khẩu tăng nhờ giá bán tăng

Phân tích số liệu về xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp tăng kim ngạch XK là yếu tố giá. Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt kim ngạch XK 4,68 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 24,3% tổng kim ngạch XK.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với lãi suất cao. Ảnh: Hà Thái-TTXVN


Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản giá XK tăng khá mạnh. Cụ thể, nhân điều tăng 36,8%, giá cà phê tăng 46,9%, giá hạt tiêu tăng 59,5%, giá cao su tăng 70%. Nhờ đó, nhiều mặt hàng tuy khối lượng XK tăng ít nhưng trị giá XK tăng khá mạnh. Cụ thể, mặt hàng cà phê chỉ tăng 46% về lượng nhưng tăng tới 115% về trị giá; cao su tăng 38% về lượng nhưng tăng tới 134% về trị giá... Nhóm nhiên liệu và khoáng sản than đá cũng tăng giá khá mạnh nên mặc dù Chính phủ chủ trương hạn chế XK nguyên liệu thô nhưng trị giá XK vẫn tăng. Cụ thể, do than đá tăng giá 56,6%, dầu thô tăng giá 31,9%... nên lượng XK dầu thô giảm 12,3% nhưng lại tăng 15,7% về trị giá; lượng XK than đá giảm 40,6% nhưng vẫn tăng 38,3% về trị giá.

Theo Bộ Công Thương, giá bán của nhiều loại hàng hóa XK tăng nhờ kinh tế thế giới tiếp tục đi lên, nhu cầu hàng hóa tăng cao, đặc biệt là giá nhiều loại hàng hóa nhiên liệu và nông sản tăng mạnh so với cùng kỳ. Ở hầu hết các nhóm ngành hàng, đều có hiện tượng giá XK tăng nhanh hơn khối lượng XK. Theo tính toán sơ bộ, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần tăng thêm 4,85 tỷ USD vào tổng kim ngạch XNK. Trong đó, giá hàng hóa tăng đã đóng góp thêm khoảng 3 tỷ USD, lượng hàng hóa tăng góp thêm 1,5 tỷ USD.

Lo ngại chi phí đầu vào tăng cao

Bên cạnh những yếu tố tích cực và thuận lợi là thị trường XK rộng mở, giá bán tăng, doanh nghiệp (DN) XK Việt Nam cũng đang gặp không ít những khó khăn và thách thức. Tại buổi giao ban, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với mặt bằng trong khu vực và trên thế giới cùng với chi phí đầu vào của sản xuất như điện, xăng dầu... tăng sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa XK của Việt Nam.

“Mặt bằng lãi suất cho vay đang bị đẩy lên quá cao, thậm chí trên mức 20%. Mức lãi suất hiện tại đã cao gần bằng thời điểm năm 2008, năm có lạm phát tới 19,9%. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, các biện pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa sẽ được thực hiện quyết liệt, do đó, lãi suất sẽ tiếp tục cao trong quý I và quý II/2011 và chỉ có thể sẽ giảm nhẹ trong quý III, quý IV”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận định.

Với mức lãi suất cao như hiện nay, theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh, rất khó để DN phát triển sản xuất kinh doanh. “Lãi vay phải giảm về mức 10 - 14% thì DN mới chịu đựng được. Còn lãi vay kéo dài ở mức 20%, thậm chí 22% như hiện nay thì hậu quả rất khó lường. Nhiều DN có thể đình đốn sản xuất”, ông Mạnh cảnh báo.

Việc ngân hàng phải giảm hạn mức tín dụng còn làm cho nhiều DN XK gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, các DN ngành điều hiện rất cần vốn để nhập khẩu nguyên liệu nhưng quý I mới chỉ được tiếp cận 10% trên tổng nhu cầu vốn nên chủ yếu phải xoay sở rất vất vả với nguồn vốn tự có. Trong khi đó, tháng 4, 5, 6 là thời gian cao điểm cần NK nguyên liệu, các DN điều cần khoảng 12.000 tỷ đồng. “DN đứng trước lựa chọn rất khó khăn, không vay vốn ngân hàng thì dừng sản xuất, mất khách hàng mà tiếp tục sản xuất thì lỗ nặng. Với lãi suất cao như hiện nay cùng chi phí đầu vào như điện, xăng dầu tăng cao, sản xuất một tấn điều nguyên liệu, doanh nghiệp lỗ 400 USD”, ông Học cho hay.

Theo ông Trần Quốc Mạnh, chi phí đầu vào tăng cao buộc các DN tăng giá bán sản phẩm: “Tuy nhiên, việc tăng giá bán lại làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa XK. Nhiều khách hàng không chấp nhận giá bán của các DN Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang các nước khác như Thái Lan, Malaixia vì lãi suất và chi phí sản xuất ở các nước này thấp hơn ở nước ta”.

Trước những khó khăn của các DN, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã đề nghị các phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính... tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, lãi suất, thuế... cho các DN. “Khó khăn hiện nay về lãi suất, vốn, chi phí tăng cao sẽ tác động đến hoạt động XK cả hiện tại và lâu dài. Vì vậy, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ để hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh hàng XK”, Thứ trưởng Biên đề nghị.

Thu Hường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN