Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiến độ thu ngân sách

Ngày 15/3, Thành ủy, UBND và các sở, ban, ngành thành phố Cần Thơ đã có buổi làm việc với Cục Thuế Cần Thơ nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thu ngân sách trong thời gian tới.

Theo báo cáo của ngành thuế, tính đến ngày 13/3, tổng các nguồn thu trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt 1.644 tỷ đồng, đạt 16,66% dự toán năm, tăng 1,91% so với cùng kỳ.


Trong số 10 đơn vị thu thì đến nay có 7 đơn vị thu đạt và vượt dự toán từ 20% trở lên, có 3 đơn vị thu đạt từ 15,36% đến 18,57% dự toán. Có 6/13 nguồn thu đạt trên 20% dự toán năm, còn lại 7 nguồn thu đạt từ 7,57% đến 17,62%, trong đó đáng chú ý là có những nguồn thu chiếm tỷ lệ lớn nhưng tiến độ thu đạt thấp như thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 14,75%, nguồn thu doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,57%, thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 17,62%...


Theo ngành thuế thành phố Cần Thơ, tiến độ thu ngân sách đến nay mới đạt 16,66% dự toán là đạt thấp so với kế hoạch (phải là 20% và đến cuối tháng 3 phải đạt 25% dự toán).
Nguyên nhân chủ yếu là do một số nguồn thu có tỷ lệ lớn như thu thuế doanh nghiệp nhà nước, thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thu thuế doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều đạt thấp, trong khi cả 3 nguồn thu này chiếm trên 64% tổng nguồn.


Mặt khác, dự toán giao các nguồn thu nói trên là quá cao so với thực thu của năm 2016. Cụ thể như dự toán giao thu từ doanh nghiệp nhà nước năm nay là 1.859 tỷ đồng, tăng 39% so với thực thu năm 2016, dự toán giao nguồn thu thuế doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 2.070 tỷ đồng, tăng 48,86% và dự toán giao thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 2.302 tỷ đồng, tăng 38,72% so với thực thu của năm 2016.


Ngoài ra, một số doanh nghiệp có nguồn thu lớn như Công ty Vinataba Philip Moris đang gặp khó khăn về thủ tục hải quan tại Hải quan Cần Thơ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm. Số lượng doanh nghiệp nộp thuế qua rà soát của ngành thuế thấp hơn số doanh nghiệp đăng ký thuế trên 537 doanh nghiệp. Nguồn thuế bảo vệ môi trường đối với một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động trên địa bàn đang giảm dần từ cuối năm 2016 đến nay vì theo một số doanh nghiệp có nguồn thu lớn cho biết mặc dù các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Cần Thơ nhưng cũng có hoạt động kinh doanh tại các địa phương khác nên các doanh nghiệp đã phân bổ số nộp thuế bảo vệ môi trường cho các tỉnh lân cận Cần Thơ như An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... nên nguồn thu bị ảnh hưởng, tiến độ thu đến nay đạt thấp, mới đạt 9,1%...


Để giải quyết khó khăn về tiến độ thu ngân sách, ngành thuế Cần Thơ kiến nghị với lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế cho các doanh nghiệp lớn ổn định sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh tiến độ thu ngân sách trong thời gian tới, đồng thời tăng cường các khoản thu thuế bảo vệ môi trường, nguồn thu từ đất... để tháo gỡ khó khăn về nguồn thu ngân sách cho thành phố.


Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành cho biết, việc thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra làm ảnh hưởng đến công tác chi ngân sách phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Ngành thuế cần có kế hoạch rà soát lại các nguồn thu, đơn vị thu xem những đơn vị nào hoàn thành vượt kế hoạch cao thì chỉ đạo các các đơn vị khác học tập để triển khai thực hiện. Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều nguồn thu chưa được khai thác cần tập trung kiểm tra, rà soát và truy thu như nguồn thu thuế ngoài quốc doanh, thu từ thuế bảo vệ môi trường, thu thuế từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trải nghiệm tại nhiều địa phương...


Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, qua kết quả thu ngân sách hơn 2 tháng đầu năm cho thấy kết quả thu đạt thấp và đang gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, UBND thành phố đã thành lập tổ giám sát chống thất thu thuế và đề ra các giải pháp như xác định nhiệm vụ thu ngân sách, xác định nguyên nhân nguồn thu không đạt để xây dựng các giải pháp tăng nguồn thu.


Theo ông Dũng, ngành thuế phải xây dựng kế hoạch thu trong từng tháng, từng lĩnh vực và phân công từng cán bộ phụ trách cho từng lĩnh vực; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các nguồn thu, nhất là các nguồn thu chưa đạt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh.


Đối với các doanh nghiệp báo thua lỗ (gần 1.900 doanh nghiệp, chiếm gần 1/3 tổng số doanh nghiệp ngành thuế quản lý) thì ngành thuế phải tập trung rà soát, kiểm tra lại. Ngoài ra, ngành thuế cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp từ bằng đến cao hơn mức quy định của ngành đề ra. Thời gian triển khai kiểm tra từ nay đến hết quý II/2017. Các cơ quan chức năng (như Kho bạc Nhà nước, ngành thuế, Sở Kế hoạch- Đầu tư) cần phải có sự thống nhất số liệu về doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố để quản lý, tránh sự khập khiễng như hiện nay mỗi cơ quan quản lý số lượng khác nhau với mức chênh lệch rất lớn.


Bên cạnh đó, ngành thuế cũng cần tăng cường vai trò lãnh đạo cấp uỷ và ban lãnh đạo ngành trong công tác quản lý chuyên môn nghiệp vụ thu ngân sách, đẩy mạnh thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, trong đó quan tâm vấn đề kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của cán bộ của ngành, thực hiện nghiêm các quy định về luân chuyển, luân phiên cán bộ...

Ngọc Thiện (TTXVN)
5 thành phố Trung ương thu ngân sách đạt 48,56% cả nước
5 thành phố Trung ương thu ngân sách đạt 48,56% cả nước

Ngày 3/3, tại TP Hồ Chí Minh, Cụm thi đua 5 Thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện giao ước thi đua Cụm 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN