Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

Để kịp thời nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp do dịch bệnh COVID-19, ngày 15/10, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp FDI.

Theo ghi nhận, các doanh nghiệp FDI đang phải đối diện với 6 nhóm vấn đề khó khăn. Đó là nhu cầu tiêm vaccine cho người lao động của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, nhưng đa số doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vaccine; một số doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ”. Trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động để duy trì sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Hơn nữa, sự thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh dẫn đến tình trạng khó đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng. Chi phí đầu vào, vận chuyển do chuỗi cung ứng bị đứt gãy tăng cao; nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến phòng, chống dịch.

Cùng với đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho hay, việc khôi phục sản xuất hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm đảm bảo “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Vì vậy, tỉnh đang xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn và sẽ sớm bao phủ được vaccine cho người dân trong tháng 11/2021.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi khi chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và mong muốn kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”. Thay vào đó, tạo điều kiện cho công nhân đi làm bằng phương tiện cá nhân, có sự kiểm soát theo hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh; sớm đạt độ bao phủ vaccine cho người dân và công nhân...

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 252 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hoạt động trong khu công nghiệp với khoảng 140.436 lao động; trong đó, 213 doanh nghiệp FDI với khoảng 135.181 lao động.

Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế có 207 doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động hiện nay là 66.637 người; trong đó, có 178 doanh nghiệp FDI với khoảng 63.674 lao động.

Khu vực ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 408 doanh nghiệp đang hoạt động với 28.786 lao động; trong đó, có 27 doanh nghiệp FDI với khoảng 12.423 lao động.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm trong việc đóng góp giải pháp giải quyết khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc áp dụng phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Khi xây dựng quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh...

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng quy định thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh quan tâm cơ chế quản lý kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, triển khai thực hiện thống nhất, khả thi, phù hợp với địa phương và sẽ có lộ trình sớm nhất chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, các ý kiến của doanh nghiệp rất xác đáng và khẳng định sự thống nhất nguyên tắc “sản xuất phải an toàn”, không để tái bùng phát dịch bệnh vượt tầm kiểm soát. Đặc biệt, các doanh nghiệp cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm với địa phương trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; có ý kiến phản hồi thường xuyên đối với tỉnh để cùng vượt qua khó khăn và phát triển.

Tin, ảnh: Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vừa ký Quyết định số 471/QĐ-UBQLV thành lập Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN