Thận trọng khi mua hàng trả góp

Do tình hình kinh doanh khó khăn,không ít cửa hàng đã áp dụng phương thức bán hàng trả góp với nhiều mức lãi suất và chế độ ưu đãi để thu hút khách hàng. Thoạt nghe thì các chương trình này khá hấp dẫn; tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng có thể “mắc bẫy” mà không hề hay biết.


“Bẫy” lãi suất


Với những người có thu nhập trung bình, sinh viên, công chức… thì mua hàng trả góp là một sự lựa chọn hợp lý. Nắm bắt được nhu cầu này, thời gian qua, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã đưa ra rất nhiều loại sản phẩm bán trả góp, từ hàng điện tử, điện máy, đồ gia dụng, nội thất, trang sức... đến xe máy, ô tô. Phương thức thanh toán, lãi suất, thời gian thanh toán khi mua hàng trả góp cũng rất đa dạng. Thông thường, khách hàng phải trả trước từ 20 - 70% giá trị sản phẩm, thời gian trả góp số tiền còn lại thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy từng cửa hàng, tùy từng sản phẩm.


Khách hàng cần thận trọng khi quyết định mua hàng trả góp (ảnh mang tính minh họa).


Thủ tục mua hàng trả góp cũng khá đơn giản. Với những hàng hóa có giá trị nhỏ, người mua chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe. Với những món hàng có giá trị lớn hơn, khách hàng cần thêm sổ hộ khẩu gia đình… Vì thế, hình thức thanh toán này được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phàn nàn rằng mình đã bị “hớ” khi mua hàng kiểu này. Lãi suất trả góp mức trung bình là 2 - 3%/tháng nghe thì nhỏ nhưng tính kỹ thì lên tới 24 - 36%/năm. Điều đáng nói là bên bán hàng thường không tư vấn cho khách hàng cụ thể, mà chỉ đưa ra số tiền hàng tháng khách phải trả. Đến khi thanh toán được vài tháng, khách hàng nhận ra tổng số tiền thanh toán cao hơn nhiều giá thực của sản phẩm nhưng không thể dừng lại được vì đã trót ký hợp đồng.


Không ít cửa hàng nâng giá sản phẩm trước khi áp dụng chương trình trả góp. Chị Nguyễn Ngọc Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm ngoái, chị mua một chiếc điện thoại iPhone 5S, 64G với giá niêm yết là 22,8 triệu đồng tại một siêu thị điện máy lớn. Chị chọn hình thức trả góp trong 12 tháng, số tiền mỗi tháng phải trả là 2,244 triệu đồng. Sau một năm, số tiền chị phải trả để mua chiếc iPhone này lên đến gần 27 triệu đồng, đắt hơn 4 triệu đồng so với giá niêm yết. Thế nhưng khi vào một cửa hàng điện thoại khác, chị mới thấy chiếc điện thoại này được bán với giá chỉ hơn 19 triệu đồng. Đến lúc đó chị mới biết, cửa hàng kia đã nâng giá “lên trời” để áp dụng chương trình bán trả góp.


Trên các diễn đàn trực tuyến, các thành viên cũng không ngừng chia sẻ bài học kinh nghiệm khi mua hàng trả góp. Anh Minh Dũng, quận Hoàng Mai, Hà Nội không chỉ phải mất thêm 2.300.000 đồng để mua chiếc xe máy giá 14.500.000 đồng sau một năm trả góp mà còn phải chịu phạt vì không đọc kỹ hợp đồng. “Theo thỏa thuận, chiếc xe Wave RS được bán với giá 14,5 triệu đồng, tôi trả trước 6 triệu đồng và mỗi tháng trả 900.000 đồng trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, vì việc bận tôi không đóng tiền đúng hẹn, đến khi tới nộp tiền mới biết mình bị phạt ở mức 1%/ngày”, anh Dũng cho hay.


Nên cân nhắc kỹ


Theo kinh nghiệm của những người đã từng mua hàng trả góp, người tiêu dùng nên thăm dò, so sánh giá tiền và lãi suất của nhiều cửa hàng khác nhau trước khi đưa ra quyết định có nên mua theo phương thức này hay không. Thông thường, cùng một chủng loại sản phẩm, mỗi nơi sẽ có mức giá khác nhau. Người tiêu dùng không nên mua hàng ở những nơi áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất ngân hàng, bởi nếu trả tiền theo kiểu này, khách hàng dễ rơi vào “bẫy” lãi suất cao.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, lưu ý: Lãi suất mua trả góp không giảm theo số dư nợ như vay thông thường, nên nếu thời gian vay càng dài thì mức lãi người tiêu dùng trả càng nhiều. Vì vậy, trước khi quyết định mua, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, cũng như tổng số tiền phải trả.


Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, những hợp đồng vay tiền trả góp là do người tiêu dùng và công ty bán hàng tự thỏa thuận. Người tiêu dùng cần đọc thật kỹ hợp đồng. Theo đó, ngoài việc tính toán số tiền chênh lệch và mức góp hàng tháng để lượng sức mình, người tiêu dùng còn phải để ý đến những điều khoản bất hợp lý để yêu cầu công ty bán hàng điều chỉnh hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ.


Thực tế, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiếp nhận nhiều trường hợp khiếu nại liên quan đến lãi suất khi mua hàng trả góp xuất phát từ việc khách hàng được nhân viên bán hàng tư vấn “mập mờ”. Tuy nhiên, nhiều khiếu nại không thể giải quyết được bởi hợp đồng đã ký, người mua phải thực hiện những điều khoản mà mình đã đồng ý. Để tránh bị thiệt thòi về giá, người mua nên tính toán tách bạch giữa phần giá hàng hóa thông thường và phần lãi suất mà mình phải chịu để xem mức giá phải trả có hợp lý không.

 

Bài và ảnh: Hoàng Dương

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN