Thận trọng cho vay các dự án BOT giao thông

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ ngân hàng “hào hứng” cho vay các dự án BOT giao thông vì quy mô dự án lớn, cần nguồn vốn nhiều để đầu tư và thời hạn cho vay dài. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của ngân hàng khi cho vay dự án BOT là khả năng tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu; nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công hạn chế của nhà thầu.

Tín dụng tăng nhanh

Cho vay đối với các dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), trong đó chủ yếu là lĩnh vực hạ tầng giao thông, đã tăng nhanh trong 2 năm gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2016. “Nhu cầu đầu tư xây dựng và sửa chữa các tuyến đường rất cấp bách bởi nhiều tuyến đường xuống cấp quá nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của các vùng, các địa phương trong khi nguồn vốn từ ngân sách hạn chế không đủ để đầu tư cho các hạng mục hạ tầng giao thông nên nhiều ngân hàng đã cho vay nhiều dự án BOT giao thông khi thanh khoản vốn dư thừa”, TS Nguyễn Thị Thái Hưng, Học viện Ngân hàng cho biết.

Thu phí tại tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một dự án được đầu tư theo hình thức BOT.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối quý I/2016, có tổng cộng 19 ngân hàng đã cho vay các dự án giao thông BOT và BT; trong đó 74,6% là cho vay dự án BOT. Còn tại thời điểm cuối tháng 6/2016, các ngân hàng thương mại (không gồm Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) có tổng hạn mức cấp tín dụng và dư nợ cho vay các dự án giao thông BOT và BT lần lượt vào khoảng 159,2 nghìn tỷ đồng và 83,6 nghìn tỷ đồng.

Theo đại diện Kiểm toán nhà nước, cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT chủ yếu do 5 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Hà Nội - Sài Gòn (SHB), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín. Theo một lãnh đạo SHB, dư nợ cho vay các dự án BOT, BT của ngân hàng này tại thời điểm cuối tháng 8/2016 thực tế là 6,8 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 4,8% tổng dư nợ cho vay khách hàng), cao hơn so với tại thời điểm cuối tháng 6/2016).

Tiềm ẩn rủi ro

Thực tế, việc gia tăng cấp tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông góp phần nâng cao chất lượng công trình quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư trong nước nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà ngân hàng khó có thể lường hết bởi hầu hết các dự án có thời gian thu hồi vốn dài. Theo TS Nguyễn Thị Thái Hưng, đó là rủi ro về mặt pháp lý, dự án chậm tiến độ, vốn đối ứng không đảm bảo, chậm quyết toán công trình…

Chẳng hạn, dự án quốc lộ 1- đoạn tránh thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 1.255 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 22 năm và vay vốn ngân hàng là 1.067 tỷ đồng với thời gian vay 14 năm. Chủ đầu tư được khai thác trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) để thu hồi vốn. Tuy nhiên, khi đi vào khai thác, đường bị hư hỏng nhanh chóng và chủ đầu tư chưa khắc phục xong nên trạm thu phí Sông Phan bị Tổng Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu dừng thu phí (từ 21/5/2016). Theo tính toán của thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu tiên thu phí của dự án, doanh thu bán vé trung bình đạt 15 tỷ đồng/tháng. Như vậy việc phải tạm ngừng thu phí có thể sẽ khiến nhà đầu tư hụt thu hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn nếu thời gian khắc phục đường hư hỏng bị kéo dài. Điều này đồng nghĩa, việc hoàn vốn để trả ngân hàng sẽ không đúng với dự kiến.

Hay dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư. Mục tiêu dự án này là mở rộng 12 km quốc lộ 1 từ hai làn lên bốn làn xe. Quá trình thi công dự án được coi là “khổ nạn” với người dân Quảng Trị khi bị chậm tiến độ tới 44 tháng (gần 4 năm). Ngoài một số nguyên nhân khách quan như đền bù giải phóng mặt bằng chậm, thời tiết không thuận lợi, còn do chủ đầu tư chưa tích cực trong việc thực hiện gói thầu. Tiến độ dự án chậm gần 4 năm là nguyên nhân chính làm tăng tổng đầu tư vốn của dự án lên khoảng 178,1 tỷ đồng, do trượt giá và lãi vay.

Theo bà Phạm Thị Vân Anh, cán bộ Ngân hàng Nhà nước, hầu hết vốn đối ứng của các chủ đầu tư chỉ bằng 10 - 15% tổng giá trị dự án BOT. Khi dự án bị tăng mức tổng đầu tư thì rất khó tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng.

Báo cáo mới đây của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, có 22 dự án bị chậm tiến độ với tổng hạn mức tín dụng là 20.347 tỷ đồng, trong đó dư nợ cấp tín dụng là hơn 11.122 tỷ đồng. Nguyên nhân của chậm tiến độ chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, tăng mức tổng đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia dự án.

Theo các chuyên gia kinh tế, đặc điểm của các dự án BOT giao thông thường có mức tổng đầu tư vốn rất lớn, nhu cầu nguồn vốn dài hạn và thời gian thu hồi vốn thường khoảng 20 - 25 năm. Tài sản đảm bảo cho các dự án BOT chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá. Từ đó sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản đảm bảo.

X.Hương - M.Phương
Kiểm soát chặt tín dụng vào các dự án BOT
Kiểm soát chặt tín dụng vào các dự án BOT

Theo một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho vay BOT là xã hội hóa nên tất yếu phải sử dụng nguồn vốn vay lớn ngân hàng. Tuy nhiên, trước việc tín dụng vào lĩnh vực này tăng nóng nên chỉ trong vòng một năm gần đây, đã 3 lần NHNN phải liên tục phát đi tín hiệu cảnh báo tăng cường kiểm soát trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN