Tây Nguyên phát triển ngành cơ khí

Việc quan tâm rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành cơ khí; xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp, khai thác, chế biến thủy sản, vận tải; và quy hoạch của ngành cơ khí phải đặt trong điều kiện thực tế cụ thể của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

 
Hiện trạng ngành cơ khí


Theo Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/12/2002 về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 thì một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm sẽ được ưu tiên phát triển để đáp ứng về cơ bản nhu cầu của nền kinh tế quốc dân. Đó là trang thiết bị máy động lực, cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện-điện tử, cơ khí ôtô-cơ khí giao thông vận tải. Phấn đấu đến năm 2010, ngành cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.


Với mục tiêu như vậy, trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Bộ Công Thương đã thành lập Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm và Hội đồng thẩm tra các dự án cơ khí trọng điểm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ ngành cơ khí, cụ thể như: Về công tác đấu thầu; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công; chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện; chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện; công nghiệp hỗ trợ...

Cần những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp cơ khí phát triển. Ảnh: Phan Anh Dũng

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, với các cơ chế, chính sách tương đối đầy đủ hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí, nhất là cơ khí trọng điểm, hơn 10 năm qua, ngành cơ khí Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển. Năm 2013, tổng giá trị toàn ngành cơ khí đạt trên 772.000 tỷ đồng; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí trong nước đạt hơn 251.000 tỷ đồng. Sau 10 năm, ngành công nghiệp cơ khí đã hình thành thêm 3 ngành hàng mới là đóng tàu biển, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, lắp ráp ôtô chở khách và tải nhẹ. Trong đó, một số ngành như chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, sản xuất xe gắn máy, ngành xi măng, ngành chế tạo thiết bị điện... sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả.


Cụ thể trước đây, đối với các nhà máy thủy điện, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công, thế nhưng hiện nay toàn bộ phần này có thể do các doanh nghiệp cơ khí trong nước đảm nhận. Các liên danh cơ khí trong nước đã chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện: A Vương, Plêykrông, Bản Vẽ, Quảng Trị, Sesan 3, Sesan 4, Đồng Nai, Huội Quảng, Bản Chát, Sơn La v.v... với tổng trọng lượng thiết bị lên tới hàng chục ngàn tấn. Ngành sản xuất xe gắn máy không những thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu khoảng 150.000 xe/năm (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tỷ lệ nội địa hóa các loại xe gắn máy đạt khoảng 85 - 95%. Đối với ngành xi măng, cơ khí trong nước đã chế tạo toàn bộ dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất đến 800.000 tấn/năm.


Điểm sáng ở địa phương


Đã từ lâu, khi nói về cơ khí ở Tây Nguyên, người sản xuất và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp đề cập đến cơ khí Đắk Lắk như là một sự tự hào. Cơ khí Đắk Lắk có độ đồng đều, nhiều cơ sở cơ khí, sản phẩm cơ khí đa dạng, với nhiều chi tiết phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất tự tin trong sản xuất các sản phẩm cơ khí.


Hiện nay, một số sản phẩm cơ khí có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Cơ khí Đắk Lắk giải quyết 70-95% các phương tiện phục sản xuất và chế biến cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Hầu hết, các máy chế biến cà phê của các nông hộ từ khâu chăm sóc, tưới, thu hoạch, chế biến gần như 100% là của cơ khí Đắk Lắk. Theo lãnh đạo một số công ty cơ khí địa phương thì doanh nghiệp đã chọn những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, thiết kế mẫu mã, áp dụng giải pháp kỹ thuật... để tạo ra hàng hóa có giá cạnh tranh hơn hàng nhập cùng chủng loại. Sản phẩm cơ khí đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng là những nhà sản xuất nhỏ.


Hoạt động của Hội cơ khí ở địa phương đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành cơ khí Đắk Lắk vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm như: Mức độ chuyên môn hóa - hợp tác hóa giữa các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh với nhau, giữa cơ khí trong tỉnh với các doanh nghiệp cơ khí mạnh trong nước còn hạn chế. Trình độ tiêu chuẩn hóa các chi tiết của sản phẩm chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm thực hiện. Chưa có nhiều sự quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống ngân hàng, các ngành bảo vệ pháp luật để tạo sự phát triển mạnh mẽ của ngành cơ khí địa phương.


Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Các doanh nghiệp cơ khí đều mong muốn cần có sự quan tâm đầu tư của tỉnh, có định hướng tốt hỗ trợ cho ngành cơ khí phát triển ổn định, bền vững. Tỉnh, huyện và các ngành cần định hướng sản xuất, giao công việc, tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển. Làm như vậy sẽ phát huy được năng lực cơ khí của địa phương.


Hiện nay, sản xuất một số sản phẩm cơ khí tiêu thụ chậm, đặt hàng ít, có nơi đặt hàng nhưng không lấy vì sản xuất khó khăn, nhất là các cơ sở sản xuất cà phê. Cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể của nhà nước cho doanh nghiệp và người nông dân áp dụng công nghệ mới, như: Chính sách về giao thông vận tải để đi lại thuận tiện; chính sách hỗ trợ về tín dụng... Trong cơ khí không phải tất cả đều cần vốn nhưng dòng vốn đi vào đúng chỗ đang cần sẽ phát huy được hiệu quả sản xuất. Đây là vấn đề cả doanh nghiệp và nhà nông đều quan tâm.


“Quan trọng là chính sách quan tâm đến người tiêu dùng và áp dụng công nghệ vào sản xuất, sẽ thúc đẩy sản phẩm cơ khí phát triển nhanh và nhiều hơn. Làm được điều này sẽ tháo gỡ được khó khăn là đưa khoa học công nghệ vào người dân ở vùng Tây Nguyên”, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định.


Xác định cơ khí là thế mạnh của địa phương, tỉnh ủy, hội đồng nhân dân các tỉnh trong vùng cần có nghị quyết chuyên đề và đặc biệt là ưu đãi đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí. Các doanh nghiệp cơ khí rất mong việc vay vốn thuận lợi, được đối xử bình đẳng. Cần có sự quan tâm đến mặt bằng sản xuất, một số cơ sở cơ khí nếu đặt trong địa bàn thành phố thì có thể gia công nhiều hơn vì phù hợp với ngành nghề, loại hình sản xuất và nhu cầu hơn là tập trung ra khu công nghiệp. Cần có quy định cụ thể cho từng loại hình sản xuất và quy mô sản xuất để bố trí các vị trí sản xuất phù hợp.


Song song với đó là việc đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí, đây cũng là vấn đề cần quan tâm. Được biết, cơ khí Đắk Lắk có khoảng 3-4 nghìn lao động có tay nghề, vừa làm vừa đào tạo nên nhà trường và các cơ sở cơ khí cần có sự phối hợp tốt hơn về nhu cầu và lĩnh vực đào tạo để không có độ vênh quá lớn giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nhân lực của các đơn vị cơ khí. Bên cạnh đó, việc đảm bảo môi trường và các điều kiện sản xuất của ngành cơ khí cũng là một thực tế phải giải quyết để ngành sản xuất cơ khí phát triển.


V.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN