Tây Bắc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản - Nhiều “điểm nghẽn” trong sản xuất, tiêu thụ

Để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông sản vùng Tây Bắc, nhân dân các dân tộc trong vùng có thể làm giàu được từ những cây, con đặc sản, các tỉnh trong vùng cần chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ.


Chú ý công nghiệp chế biến


Đối với vùng Tây Bắc, nông, lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của các địa phương. Toàn vùng hiện có 8 triệu ha rừng và 7 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, nhất là các cây công nghiệp đang có lợi thế phát triển như chè, cà phê và cây công nghiệp mới là cao su. Để phát huy tiềm năng, lợi thế này, các tỉnh trong vùng cần mạnh dạn đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Liên quan đến lĩnh vực này là khâu chế biến sản phẩm để những cây công nghiệp trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập.

 

Vào dịp mận chín rộ, nhiều hộ dân ở thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La) luôn chật vật tìm thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, công nghiệp chế biến, đưa khoa học công nghệ ứng dụng để phát triển nông, lâm nghiệp chính là những lĩnh vực bao trùm và có ý nghĩa đối với toàn vùng. Làm được điều này, cơ bản các tỉnh trong vùng sẽ thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH).


Một điều dễ nhận thấy là các tỉnh Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất nông nghiệp. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng như đường giao thông phục vụ chuyên chở sản phẩm nông, lâm sản còn khó khăn. Ông Trương Xuân Cừ cho rằng đây là một điểm nghẽn trong vấn đề CNH - HĐH đối với nông, lâm nghiệp. “Cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ nông dân, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển về giống… Đây là những vấn đề mà các tỉnh trong vùng cần đề xuất nhà nước có cơ chế chính sách, nếu không thì rất khó”, ông Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.


Để phát huy lợi thế cây, con mũi nhọn, các tỉnh vùng Tây Bắc cần đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nhiều sản phẩm cây công nghiệp, sản phẩm lương thực, thủy sản… lồng ghép với lợi ích kinh tế là vấn đề xã hội, dân sinh an sinh cũng như hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Có như vậy mới phát triển được công nghiệp chế biến của vùng.


“Bỏ thì thương…”


Dong riềng được coi là cây trồng thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Bắc Kạn. Tuy nhiên, năm 2013 giá cả bấp bênh, việc phát triển không tính đến thị trường đã đẩy người trồng dong riềng vào cảnh tiến thoái lưỡng nan “bỏ thì thương, vương thì tội”.


Thực tế cho thấy quá trình CNH - HĐH lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở các tỉnh vùng Tây Bắc là vấn đề rất khó. Bởi các dự án trong vùng thường có vốn đầu tư thấp và đang còn lúng túng. Các dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài hầu như không có. Đây là vấn đề khó nên các tỉnh cần có lộ trình, phải xây dựng được cơ sở khoa học để thực hiện CNH - HĐH. Việc xây dựng các cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần được các tỉnh chú trọng.

Theo ông Hoàng Văn Bằng ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cuối năm 2013, dong riềng bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng giá bán chỉ có 700 - 800 đồng/kg. Nhà ông trồng 2.000 m2 dong riềng, sản lượng đạt khoảng 15 tấn củ, theo tính toán của ông Bằng, với giá bán này, ông thu về trên 10 triệu đồng. Trừ chi phí thuê người thu hoạch, phân bón, công chăm sóc thì coi như lỗ.


Ở Bắc Kạn, huyện vùng cao Na Rỳ là địa phương trồng dong riềng nhiều nhất tỉnh với diện tích gần 1.200 ha, sản lượng năm 2013 đạt khoảng 70.000 tấn củ. Trước tình hình giá củ dong riêng xuống thấp, huyện Na Rỳ đã vận động các cơ sở chế biến trong huyện tập trung thu mua cho bà con với giá cao nhất có thể. Ông Hà Đức Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho rằng, việc giá cả lên xuống là quy luật của thị trường. Sở đã chỉ đạo các địa phương tổ chức cho người dân thu hoạch giãn vụ, diện tích trồng trước được thu hoạch trước để bảo đảm củ dong riềng khi thu hoạch không bị non quá và cũng không bị già quá mới cho bột tốt. Ngoài ra, tỉnh cũng đã liên hệ, kêu gọi các doanh nghiệp ở Hà Nội hỗ trợ thu mua dong riềng củ cho Bắc Kạn.


Giá dong riềng rẻ như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đầu ra của sản phẩn này có nhiều biến động. Tại nhiều địa phương phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Giang đồng loạt trồng dong riềng nên lượng củ tăng nhiều, trong khi đó các cơ sở chế biến tăng không đáng kể. Giá bột tại các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều giảm, nên giá mua củ dong riềng cũng phải giảm theo.


Trong khi giá dong riềng xuống thấp thì khâu chế biến lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, cho rằng, giải pháp tối ưu là tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến bột dong riềng tại các huyện thu mua hết công suất với mức giá tối đa cho người trồng. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã có cam kết với các doanh nghiệp ưu tiên được vay vốn ưu đãi để thu mua, hỗ trợ đầu tư máy móc chế biến, bảo đảm đủ điện cho sản xuất…

 

Nguyễn Trình - Viết Tôn

Cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản
Cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản

Hơn 70% dân số Việt Nam có thu nhập chủ yếu từ các sản phẩm nông nghiệp nhưng cuộc sống đại đa số người dân vẫn còn hết sức khó khăn, bấp bênh; phụ thuộc vào sự may rủi của thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN