Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thông quan

Nghị quyết 35/NQ-CP ban hành với mục đích hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp. Theo đó, từng bộ ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể hiện thực hoá nhiệm vụ trên; trong đó ngành hải quan cũng là một trong những ngành ảnh hưởng và liên quan nhiều đến doanh nghiệp.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Vũ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Hải quan để làm rõ vấn đề này.

Thưa ông, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1239/QĐ-BTC về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ông có thể nói rõ hơn nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan thực hiện Quyết định này?

Trên cơ sở Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-TCHQ về Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết này.

Theo đó, ngành hải quan thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính về thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020. Việc rà soát đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng được thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành hải quan rà soát, đề xuất sửa đổi quy định hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan. Việc làm này nhằm giảm thủ tục, thời gian, chi phí, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội của doanh nghiệp.

Cụ thể, chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Ngành Hải quan cũng đang quyết liệt triển khai Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đề xuất hoàn thiện quy định về biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để thực hiện Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành. Kế hoạch hành động được cụ thể hóa như thế nào thưa ông?

Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Cụ thể, Tổng cục chủ trì, phối hợp với một số Bộ quản lý chuyên ngành như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 2 đợt làm việc tập trung để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lý của các Bộ cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg.

Trên cơ sở kết quả rà soát các đợt rà soát, Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính công văn số 5741/BTC-TCHQ ngày 28/4/2016 gửi các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành có liên quan để báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg.

Đồng thời kiến nghị các Bộ khẩn trương hoàn thiện sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành. Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực quản lý theo phân công nhiệm vụ và đúng thời hạn tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg .

Việc sửa đổi hệ thống văn bản trên có liên quan tới nhiều Bộ, ngành. Theo ông, để hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính giao, Tổng cục Hải quan có vướng mắc nào cần tháo gỡ?

Hiện việc triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của nhiều Bộ quản lý chuyên ngành còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ.

Cụ thể như một số văn bản quy định về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành do các Bộ mới ban hành vẫn chưa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Do vậy, để hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được nâng cao, đạt hiệu quả đồng bộ, bên cạnh vai trò đôn đốc của Tổng cục Hải quan cần sự tích cực của các Bộ, ngành có liên quan.

Thời gian tới, Tổng cục Hải quan dự kiến triển khai một số hoạt động như trình Bộ Tài chính có công văn đôn đốc Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với từng Bộ, ngành liên quan để trao đổi về khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, việc tổ chức Hội nghị chuyên đề về tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại miền Bắc và miền Nam với sự tham gia của các Bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cần được thực hiện.

Qua đó đánh giá thực trạng công tác quản lý chuyên ngành; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành; thảo luận về các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.

Xin cám ơn ông!


Hải Yến (TTXVN)
Rút ngắn thời gian thông quan qua biên giới
Rút ngắn thời gian thông quan qua biên giới

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, năm 2016 tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN