Tạo giá trị khác biệt cho các doanh nghiệp dệt may

Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn, Công ty Đổi mới len Úc (Australian Wool Innovation Limited - AWI) và The Woolmark Company (TWC) đã hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm hướng đi mới từ phân khúc dệt may cao cấp để tạo sự khác biệt.


Theo AWI, hiện tỉ lệ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam thấp nhất trong vòng 10 năm qua và có thể tiếp tục thấp nữa trong những năm tới. Vì thế, các doanh nghiệp Việt cần gấp rút tìm cho mình những lợi thế cạnh tranh đặc biệt để tiếp tục tồn tại và phát triển trong thị trường may mặc vốn khốc liệt.


Hiện nay, xu thế thị trường quốc tế đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới phân khúc sản phẩm cao cấp, cụ thể ưu thế phát triển ngành may mặc từ các sản phẩm cơ bản làm từ bông, polyester... đã dần chuyển dịch sang các sản phẩm cao cấp như len lông cừu, cashmere, lụa và những sản phẩm sợi pha từ các chất liệu nói trên.

Doanh nghiệp cần gấp rút tìm cho mình những lợi thế cạnh tranh đặc biệt để phát triển trong thị trường may mặc vốn khốc liệt khi hội nhập.


Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam tháo gỡ những khó khăn hiện tại, đặc biệt khi một loạt những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được kí kết và sẽ có hiệu lực trong tương lai, mức thuế xuất khẩu đồng loạt giảm sẽ tạo ra cú hích lớn thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu.


Trước tiềm năng của dệt may Việt Nam cũng như kỳ vọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp khi bước chân vào phân khúc cao cấp, từ năm 2012, Công ty Woolmark đã triển khai dự án “Việt Nam trên đường hội nhập” nhằm phát triển chuỗi sản xuất cung ứng mới cho sản phẩm len cừu Úc. Theo đó, TWC đã đặt quan hệ với hơn 90 đối tác là các doanh nghiệp, nhà máy dệt may trong nước, từ dệt kim phẳng, dệt kim tròn, kéo sợi, dệt, nhuộm cho tới hoàn tất và sản xuất hàng may mặc.


Điều này có ý nghĩa cho ngành dệt may Việt Nam vì trước năm 2012, hầu như các nhà sản xuất Việt Nam đều không có kinh nghiệm về sản phẩm len cừu, nhưng giờ đây, bằng việc phổ biến thông tin về chuyển giao kỹ thuật, nguồn nhiên liệu, máy móc thiết bị về sản xuất len lông cừu, TWC đã giúp các doanh nghiệp biết sử dụng loại nguyên liệu này để cho ra những sản phẩm nổi trội.


Tuy nhiên, để mở rộng cánh cửa thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, TWC còn rất tích cực trong việc hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp tham gia những hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế nhằm gia tăng giá trị và mở ra rất nhiều cơ hội thương mại mới. Triển lãm các sản phẩm len lông cừu lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào ngày 24/11 tới là một điển hình.


Theo đó, sẽ có hơn 25 tên tuổi thương hiệu dệt may lớn, uy tín trong và ngoài nước tham gia như Agtex, Vieba, Apex Dalat, Thygesen... Các doanh nghiệp sẽ trưng bày những sản phẩm về len cao cấp nổi bật nhất của mình như áo len, khăn quàng, mũ, vớ (tất), các loại vải dệt thoi và hàng may mặc dệt kim tròn từ len cừu Merino Úc.


Thông qua triển lãm, TWC, AWI không chỉ mong muốn khuyến khích các nhà bán lẻ và thương hiệu quốc tế khai thác các sản phẩm cao cấp từ len cừu Merino Úc được sản xuất tại Việt Nam mà còn hứa hẹn sẽ thu hút rất nhiều các nhà bán lẻ, đơn vị xuất nhập khẩu, xuất khẩu, doanh nghiệp đang muốn xây dựng cho mình các giá trị nổi bật và tìm kiếm những cơ hội thương mại mới đối với phân khúc dòng sản phẩm cao cấp.



Hải Yên
 Giá vàng trong nước “bấn loạn” khi ông Trump thắng cử
Giá vàng trong nước “bấn loạn” khi ông Trump thắng cử

Ngay sau thông tin ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, giá vàng thế giới và trong nước liên tục nhảy múa “bấn loạn”, thị trường chứng khoán trong nước cũng "nhuộm" đỏ sàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN