Tạo cơ hội trao đổi về xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến

Nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử (VietNam Online Business Forum- VOBF) được Ban tổ chức xác định sẽ tổ chức thường niên vào tháng 2 hàng năm.

Thông tin này được ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử-VOBF 2017 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với VECOM tổ chức ngày 24/2 tại Hà Nội.

Với 4 chủ đề liên quan đến thương mại điện tử trong năm 2017, gồm ảnh hưởng của công nghệ đám mây và di động với thương mại điện tử; bán hàng đa kênh-ommi chanel; thương mại điện tử qua biên giới; và khởi nghiệp trong kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với nhiều chuyên gia uy tín đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu liên quan tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Nielsen, Google, Facebook, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Verisign, Lazada…

Những công ty cung cấp công nghệ và dịch vụ nổi trội cho kinh doanh trực tuyến góp mặt trong sự kiện có Z.com, VeriSign, Mắt Bão, Bizweb, Gimasys, TrustPay, Interspace, Netnam, VinaLink, iNet, Cốc Cốc…

Cùng với đó, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng phổ biến về những công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo cũng như giới thiệu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin), việc xây dựng thương hiệu thương mại điện tử trên internet là vấn đề nhiều năm trước chưa có doanh nghiệp chú trọng, nhiều người nghĩ xây dựng thương hiệu hơi xa xỉ.

Tuy nhiên, bây giờ nhiều người suy nghĩ tích cực hơn khi tỷ lệ sử dụng internet tăng, nên doanh nghiệp chuyển dần xây dựng theo cách truyền thống thông qua thương hiệu cá nhân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận việc khá khó để đưa ra con số cụ thể nhưng có nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở mức độ khá cao. Do vậy, phải làm thế nào để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng là bài toán cần được các doanh nghiệp đưa ra lời giải.

Bởi, bước chân vào lĩnh vực thương mại điện tử thì doanh nghiệp phải nhanh trên mọi lĩnh vực. Chẳng hạn cần nghiên cứu, xây dựng website sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng để thu hút doanh thu của chính doanh nghiệp để từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế chung.

Tại Diễn đàn, VECOM cũng đã công bố Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2017 dựa trên việc khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp mỗi năm. EBI là nguồn thông tin hữu ích về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như ở mỗi địa phương.

EBI 2017 tiếp tục cho thấy thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM cho biết, các doanh nghiệp có thể chia sẻ trực tiếp với các đại diện của những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng bán hàng đa kênh và thương mại điện tử qua biên giới về những cơ hội và rủi ro kinh doanh, bao gồm đại diện của Gotadi, Fado, OSB, PTI, Nguyễn Kim…

Những đặc thù khi khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến, bên cạnh đó yếu tố ham mê, lòng quyết tâm thì tầm quan trọng của ý tưởng độc đáo và sáng tạo, gọi vốn, truyền thông… sẽ tạo được một số doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng đến từ Vật Giá, MOG, iCheck, Vexere, FPT Venture chia sẻ.

Điểm mới trong thương mại điện tử là xu hướng của thương mại điện tử phát triển khá mạnh trong 5 năm qua. Đây là cơ hội để xây dựng hệ sinh thái, người tiêu dùng đang tiếp cận các sản phẩm theo một cách hoàn toàn mới. Khả năng tiếp cận thông tin không giới hạn… mạng xã hội, dịch vụ định vị,.. các trang web của các nhà bán lẻ.

Đại diện cho trang địa phương có chỉ số thương mại điện tử cao nhất cả nước, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, doanh thu bán lẻ của Hà Nội trong giao dịch trực tuyến là hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm 6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; bình quân tăng trưởng 15% so với các năm trước.

Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 4 năm qua của Hà Nội luôn trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước. Đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 5.600 web thương mại điện tử được tổ chức, cá nhân thông báo/đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố.

Do vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để cải thiện các chỉ tiêu trong chỉ số, nâng mức doanh thu bán lẻ trong kinh doanh trực tiếp lên khoảng 80%.

Uyên Hương (TTXVN)
Khởi nghiệp thành công cùng kinh doanh trực tuyến
Khởi nghiệp thành công cùng kinh doanh trực tuyến

Sáng ngày 14/6, Intel Việt Nam đã phối hợp với Haravan tổ chức Ngày hội kinh doanh trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh với hơn 1.000 người tham gia. Trong đó, có hơn 500 bạn trẻ đang tham gia bán hàng online và số còn lại là sinh viên các trường đại học mong muốn khởi nghiệp từ kinh doanh trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN