Tạo chuyển biến căn bản phát triển ĐBSCL

Có lợi thế đặc biệt về nông lâm thủy sản và đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, nhưng hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang loay hoay với bài toán phát triển.


Nhiều tiềm năng


Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp, dù tổng diện tích canh tác nông nghiệp chưa tới 1/3 của cả nước, nhưng ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước khi chiếm lượng sản xuất trên 50% và đóng góp gần 90% vào kim ngạch xuất khẩu gạo. Đây là khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất lúa gạo của cả nước và kết quả sản xuất lúa gạo ở đây quyết định an ninh lương thực quốc gia, cũng như duy trì vị thế trong xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện ngành nông nghiệp đang vận động các địa phương trong vùng tổ chức lại sản xuất theo hướng cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã… vừa góp phần thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện qui trình cơ giới hóa một cách đồng bộ.

 

Phát triển ngành chế biến thủy sản là một trong những hướng đi nhằm khai thác thế mạnh của vùng ĐBSCL.


Với lợi thế diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản lớn, nhiều tỉnh, thành có bờ biển dài đã tạo điều kiện cho các tỉnh ĐBSCL thuận lợi trong việc đánh bắt thủy hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của các nhà khoa học, môi trường nước để nuôi trồng thủy sản tại đây chưa bị ô nhiễm, do đó năng suất nuôi trồng rất cao, trong khi đó giống thủy sản lại có lợi thế xuất khẩu rất đa dạng và phong phú… “Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn là rất lớn nên ngành thủy sản ĐBSCL đã và đang có tốc độ phát triển nhanh cả về diện tích, mức độ thâm canh hóa. Chỉ tính diện tích nuôi tôm của vùng đã chiếm hơn 91% diện tích nuôi tôm của cả nước. Riêng những loại thủy sản khác phục vụ cho xuất khẩu như cá tra, cá basa… cũng chiếm tỷ lệ áp đảo”, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Cục Thủy sản, cho hay.


Trong khi đó, trái cây nhiệt đới cũng là thế mạnh của khu vực ĐBSCL khi gần 35% diện tích trái cây cả nước nằm ở vùng này. Đặc biệt nhiều loại trái cây đặc sản như: quýt hồng Lai Vung, xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Phước... được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật... ưa chuộng. Tính toán của ngành nông nghiệp, với sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm, các tỉnh ĐBSCL cung ứng đến hơn 70% lượng trái cây tiêu thụ cả nước. Trái cây ở ĐBSCL không hề kém về chất lượng nếu so với trái cây cùng loại các nước trong khu vực. Không chỉ thế, những loại đặc hữu chỉ Việt Nam mới trồng được cũng rất đa dạng, như: vú sữa Lò Rèn, sơ ri Gò Công… Chỉ tính riêng tại tỉnh Tiền Giang, với gần 68.000 ha cây ăn quả, chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn quả cả nước, mỗi năm đóng góp vào nguồn lợi kinh tế địa phương hơn 2.500 tỷ đồng.


Hiệu quả chưa xứng tầm


Có nhiều năm theo dõi, quản lý phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư thường trực TP Cần Thơ, cho rằng Nhà nước chưa có chính sách đồng bộ bảo hộ cho nông dân ĐBSCL sản xuất nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai. Đến nay, nông nghiệp vẫn chưa nâng cao được thu nhập đời sống của nhà nông. Nông nghiệp tại đây vẫn đang ở trong vòng lẩn quẩn với điệp khúc "được mùa - mất giá; được giá - mất mùa" và nhà nông vẫn loay hoay, rối bời với việc trồng cây gì, nuôi con gì để đảm bảo đầu ra ổn định.


Ở một khía cạnh khác, có lợi thế về xuất khẩu lúa gạo nhưng các tỉnh ĐBSCL lại đang sử dụng quá nhiều giống lúa, gây nhiều khó khăn về việc đáp ứng đồng bộ về chủng loại và phẩm cấp của hàng xuất khẩu qui mô lớn. Mặc dù đứng vị trí thứ 2 - 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Trong khi đó, xu hướng thế giới đang đi vào sản xuất gạo chất lượng cao qua việc ưa chuộng loại gạo 5% tấm, gạo chất lượng cao có thương hiệu… và điều này là “tử huyệt” đối với không ít tỉnh, thành trong sản xuất lúa gạo. “Cuộc sống của người trồng lúa còn bấp bênh khi ngành chức năng vẫn chưa tìm ra lời giải cho vấn đề đảm bảo đầu ra có lãi bền vững. Hiện lợi nhuận nhà nông bình quân chỉ đạt khoảng hơn 316.000 đồng/người/tháng, trong khi ngưỡng nghèo theo quy định đã có thu nhập 400.000 đồng/người/tháng”, ông Lợi nói thêm.


Với thủy sản, người dân luôn phải gánh chịu nhiều rủi ro do các nguyên nhân từ “trên trời” như: biến động về giá, chậm hoặc không thanh toán tiền từ phía người mua, dịch bệnh, chất lượng nước không tốt… Hiện, ngoại trừ con tôm đang tạo sức hút trên thị trường xuất khẩu, thì con cá tra đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại gay gắt ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành. Đó là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng cho chế biến, những rào cản về thương mại của các nhà nhập khẩu… Riêng đối với mặt hàng rau quả, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát triển được vùng chuyên canh; chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên trường quốc tế; tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng phát triển yếu… khiến cả vùng chưa phát huy được thế mạnh.


Cấp bách giải pháp khả thi


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là xây dựng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng cao với biến đổi khí hậu; sản xuất các ngành đạt năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng nâng cao… Giải pháp chủ yếu được các ngành chức năng đưa ra là khuyến khích phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các trang trại, doanh nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô ruộng đất, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập.


Do tính chất đặc thù, theo các chuyên gia kinh tế, công tác liên kết vùng, liên kết ngành nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các tỉnh ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Vì vậy, ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách về Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và giao cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đóng vai trò điều phối, hỗ trợ cho công tác liên kết vùng. Tuy nhiên vai trò này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ và mang hiệu quả như mong muốn do vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh có cơ cấu kinh tế và sản phẩm na ná nhau, phát triển độc lập không phát huy hết lợi thế so sánh qua liên kết nhằm chuyên môn hóa… Ngoài ra, sự chủ động liên kết với các địa phương, khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ để hình thành các trục, tuyến phát triển chưa được triển khai một cách bài bản, chặt chẽ.


Để tạo ra sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực nông nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, ĐBSCL cần chú trọng sản xuất với trình độ thâm canh kỹ thuật cao, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm (kể cả xuất khẩu); hạn chế tối đa việc xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng, ngành hàng chính, nhằm khai thác tối đa lợi thế của vùng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đầu tư hệ thống thủy lợi, đê điều, hệ thống bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, khuyến khích mọi tổ chức, mọi thành phần kinh tế tham gia tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt thị trường xuất khẩu; đào tạo nguồn nhân lực nông thôn có thế mạnh của từng địa phương...”, ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Đồng bằng sông Cửu Long “khát” nước
Đồng bằng sông Cửu Long “khát” nước

Do chịu tác động của xâm mặn và thời tiết khô hạn, người dân tại nhiều địa phương như Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre... đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN