Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào cầu bên ngoài

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ đạt mức 5,6%, sau đó sẽ tăng lên ở mức 5,8% trong năm 2015 chủ yếu vẫn nhờ lực cầu bên ngoài. Đó là dự báo của Ngân hàng ANZ trong Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu 2015 được ngân hàng này công bố ngày 3/12.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ ông Warren Hogan, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo khả quan hơn là nhờ lạm phát được kiểm soát, tình hình dự trữ được cải thiện, FDI vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, và xuất khẩu tăng trưởng khá hơn. Ngoài ra, ANZ cung cho rằng tỷ giá của Việt Nam cũng khá ổn định, vị thế đối ngoại của đồng tiền được cải thiện hơn.

Theo ông Glenn B.Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương của ANZ, tăng trưởng của Việt Nam bật lại vào quý 3 năm 2014, khi đạt mức tăng trưởng 6,4%, tuy nhiên cầu trong nước vẫn còn yếu. Chính vì vậy, chuyên gia ANZ cho rằng, cầu bên ngoài vẫn là động lực tăng trưởng chính khi FDI vào các ngành chế tác tăng cao.

Ảnh minh họa.


Báo cáo của ANZ chỉ rõ, tính đến ngày 20/10, Việt Nam có 1.306 dự án FDI mới phê duyệt, với tổng số vốn mới cam kết trên 9,95 tỷ USD. Có 469 dự án đang hoạt động tăng vốn trị giá 3,75 tỷ USD, làm tổng số FDI từ đầu năm đến nay đạt mức 13,7 tỷ USD. Ngành chế tác tính đến tháng 10/2014 đã thu hút gần 10 tỷ USD FDI mới, chiếm khoản 70% tổng số vốn FDI mới và bổ sung, chủ yếu là đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong. Trong đó, FDI đầu tư vào ngành sản xuất linh kiện bán dẫn sẽ là động lực chính cho lĩnh vực sản xuất cho xuất khẩu.

Một điểm tích cực của kinh tế Việt Nam được ANZ nhắc đến là cán cân thương mại. Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay cho thấy dấu hiệu cao hơn so với năm 2013. Cụ thể, thặng dư thương mại từ đầu năm đến nay là 1,866 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư khiêm tốn trong cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia của ANZ tin tưởng, năm 2014 Việt Nam sẽ tiếp tục đạt thặng dư thương mại do ngân sách chính phủ giải ngân chậm hơn so với dự tính. Điều này có thể làm giảm kỳ vọng về hỗ trợ tăng trưởng nhập khẩu.

Về chính sách tiền tệ, ANZ cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam liên tục giảm trong thời gian qua là do cầu nội địa chưa lấy được đà tăng trưởng. Điều này sẽ tạo dư địa tiếp tục để Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ. “Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng nếu lạm phát tiếp tục thấp và tăng trưởng tín dụng không tăng. Nếu lạm phát tiếp tục giảm, sẽ tạo dư địa cắt giảm lãi suất và vẫn duy trì lãi suất thực dương” - Chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ Warren Hogan cho biết.

Theo báo cáo của ANZ, triển vọng kinh tế toàn cầu 2015 sẽ khả quan, theo đó tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ đạt mức 3,9%, tăng lên từ mức 3,4% của năm 2014. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn được dẫn dắt bởi kinh tế Mỹ nhờ tiêu dùng ở Mỹ đang tăng do giá dầu giảm, nền kinh tế quay lại trạng thái toàn dụng lao động.

Kinh tế Mỹ được ANZ dự báo tăng 2,3% trong năm 2014 và tăng lên 3,2% năm 2015. Khu vực đồng euro được dự báo tăng trưởng mức 0,8% năm 2014 và tăng lên 1,3% năm 2015. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chững lại khi đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 sau đó giảm xuống còn 7,0% trong năm 2015.


Quốc Huy
World Bank: Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi
World Bank: Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố ngày 3/12 cho thấy, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN