Tăng niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã tăng mạnh đầu tư vào các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó mạnh nhất là “tam giác” Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay. Đây là kết quả nỗ lực của các địa phương trong việc minh bạch hóa thể chế, cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư; đồng thời nắm bắt được xu hướng chuyển dịch đầu tư của các DN nước ngoài hiện nay.


Tăng dự án lớn, công nghệ cao


Giữa tháng 9 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 3 cho 37 dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn gần 380 triệu USD. Trong số 37 dự án này, dự án FDI lớn nhất là dự án xây dựng nhà máy sản xuất vải dệt các loại với công suất 96 triệu m/năm do Công ty Haputex (Hồng Kông) liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương (Bình Dương) đầu tư với tổng số vốn 120 triệu USD. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, phần lớn các dự án được cấp phép lần này đều tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm và cơ khí điện tử... Đây là những lĩnh vực phù hợp với chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh Bình Dương.

 

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Hansae Việt Nam (Hàn Quốc) Khu Công nghiệp Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).
Ảnh: Thanh Vũ –TTXVN

 

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút 113 dự án đầu tư mới và 99 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch cả năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và đứng vị trí thứ 3 cả nước (sau tỉnh Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh). Như vậy, đến nay tỉnh Bình Dương đã có 2.344 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư vượt mốc 20 tỷ USD.


Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam: Nếu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, nó sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành nghề cũng như các bên tham gia. Các nhà đầu tư hiện hữu ở các khu công nghiệp phải nhìn trước cơ hội này để mở rộng và phát triển hơn nữa các cơ sở sản xuất kinh doanh để đón nguồn vốn đầu tư mới. Mỹ sẽ là một đối tác rất lớn trong hiệp định này nên sẽ có một làn sóng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.

Còn theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 15/8, Đồng Nai đã thu hút được hơn 922 triệu USD vốn FDI, trong đó có 391 triệu USD thuộc 52 dự án cấp mới và hơn 531 triệu USD thuộc 51 dự án tăng vốn. Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết: những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn trong thời gian qua đều là những dự án đầu tư đúng theo định hướng của tỉnh.

 

Đó là những dự án đầu tư vào công nghệ, hàm lượng chất xám cao, những dự án liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trong số dự án được cấp mới, có tới 11 dự án có vốn trên 10 triệu USD như: Công ty Volcafe Việt Nam (80 triệu USD), Kuk IL Việt Nam (55,7 triệu USD), Dong IL Việt Nam (gần 52 triệu USD), Tayca Việt Nam (hơn 13 triệu USD)... Trong số các dự án tăng vốn, có 6 dự án tăng vốn khá cao, như: Công ty TNHH Bệnh viện đại học y dược Shing Mark tăng thêm 120 triệu USD, Công ty TNHH Shing Mark Vina tăng 130 triệu USD...


Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 20/8, thành phố có 241 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 1,06 tỷ USD. Mặc dù giảm 7,3% về số dự án so với cùng kỳ nhưng lại tăng 80,3% về tổng vốn.


Tạo lòng tin cho doanh nghiệp


Ông Hàng Vay Chi, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hương (Bình Dương), cho biết các chi hội DN nước ngoài đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đánh giá rất cao về trách nhiệm của chính quyền địa phương với doanh nghiệp bằng việc thực thi có hiệu quả nhiều chính sách kịp thời, giúp DN khắc phục khó khăn, nhất là sau sự cố đình công xảy hồi tháng 5 vừa qua. Từ những nỗ lực này, các chi hội thương gia, cộng đồng DN FDI đã "truyền tai" nhau về chính sách của nhà nước và được chính quyền bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư thông qua thực thi các chính sách hỗ trợ nhất quán, rõ ràng. Từ đó, các DN đều đặt niềm tin về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng sẽ thuận lợi, kinh doanh có hiệu quả.

 

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, việc thực thi chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo nên lòng tin của các nhà đầu tư. Bằng chứng là chỉ số thu hút đầu tư của tỉnh đề ra trong năm 2014 là 1 tỷ USD thì đến nay đã đạt trên 1,2 tỷ USD, vượt 20%. Điều đặc biệt là sau sự cố hồi tháng 5 vừa qua, tỉnh đã thu hút thêm 350 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có vốn đầu tư cao nhất trong số các quốc gia và chiếm hơn 53% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh.


Theo ông Lê Thanh Cung, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư ổn định về sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, tỉnh Bình Dương đã và đang cải thiện công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư; tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp đồng bộ của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ tích cực để các DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

 

Bên cạnh đó, để “đón” các nhà đầu tư mới, Bình Dương đã xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là 26/28 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích lên đến hơn 9.000 ha, trong đó có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị quỹ đất sạch lớn sẵn sàng đáp ứng nhanh cho các nhà đầu tư triển khai dự án; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ các nhà đầu tư.


Trong khi đó, để chủ động thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, vào tháng 2 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng một khu kỹ nghệ để thu hút các DN Nhật Bản. Khu kỹ nghệ Vie - Pan này được đầu tư tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) với quy mô lên đến 100 ha, được đầu tư với mục đích hỗ trợ DN từ A đến Z. Doanh nghiệp vào đầu tư chỉ tập trung lo sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố, hiện TP Hồ Chí Minh có lợi thế về vị trí, số lượng và trình độ của người lao động, các điều kiện để nhà đầu tư sống; hạ tầng xã hội tốt như bệnh viện, trường học quốc tế, trung tâm mua sắm... Đây là những lợi thế hiếm có địa phương nào có được. Bên cạnh đó, Thành phố đã có nhiều chính sách minh bạch trong thu hút đầu tư FDI, chuẩn bị hạ tầng hoàn thiện trong các khu công nghiệp để giúp nhà đầu tư an tâm đầu tư.

 

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh:

 

Minh bạch thông tin

Quan điểm của thành phố là cần phải tạo được sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó đầu tiên là thủ tục thành lập DN, thủ tục đầu tư một dự án. Để thu hút đầu tư nước ngoài tốt, thành phố sẽ hoàn thiện hơn trong việc xét duyệt đầu tư, trong đó quá trình xử lý hồ sơ sẽ được công khai trên internet để nhà đầu tư theo dõi, biết hồ sơ đang ở đâu và do bộ phận nào xử lý. Khi đã được nhà đầu tư giám sát những việc đó, quá trình giải quyết sẽ nhanh hơn, công khai minh bạch hơn. Đây là khâu quan trọng trong thu hút đầu tư, nhà đầu tư biết được những khó khăn để thông cảm là phải có thời gian để giải quyết. Việc minh bạch thông tin cũng sẽ giảm bớt được tình trạng nhũng nhiễu nhà đầu tư.

Ông Hung So, Tổng Thư ký, Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam:

Đặt niềm tin vào tiềm năng ở Việt Nam

Các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam và mong muốn tham gia nhiều hơn, nhất là trong hoạt động bán lẻ và phân phối tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút vào thị trường Việt Nam vì họ thấy được tiềm năng về quy mô thị trường lớn và sự gia tăng nhanh chóng liên tục về quy mô tiêu thụ. Chúng tôi luôn trông đợi những cải cách hơn nữa trong luật pháp từ phía Việt Nam liên quan đến chính sách đầu tư.

 

Ông Trần Tiến Phát, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Datalogic Scaning:

Cần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa, tôi nghĩ chúng ta cần thêm nhiều chính sách ưu đãi hơn. Đặc biệt, cần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu. Bởi mọi nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam đều có chung một yêu cầu, đó là “chi phí cho sản xuất phải cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường”. Tuy nhiên, nguyên liệu chúng tôi mua của các nhà cung cấp nội địa còn rất thấp (dưới 4%), vì vậy chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu. Chính việc này, khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên gây khó khăn cho DN. Thứ hai là Nhà nước cần xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng các DN Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ với DN nước ngoài. Nhà nước cũng nên khuyến khích các DN FDI đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất linh kiện cung cấp cho chính mình với sự hỗ trợ bằng chính sách thuế phù hợp từ Nhà nước.

 
 

Hoàng Tuyết - M.T

Doanh nghiệp Phần Lan đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam
Doanh nghiệp Phần Lan đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Phần Lan, ngày 26/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc gặp với đại diện giới doanh nghiệp Phần Lan tại trụ sở Liên đoàn các Doanh nghiệp nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN