Tăng cường ngăn chặn gà nhập khẩu kém chất lượng

Việc kiểm soát vẫn gian nan


Tình trạng nhập lậu gia cầm là chuyện không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, đến nay việc kiểm soát vẫn còn là một bài toán làm đau đầu các cơ quan chức năng. Thực tế trước đây, ngay tại chợ đầu mối Hà Vỹ (Hà Nội), mặc dù thừa nhận và biết rõ chất lượng của gà thải loại Trung Quốc kém nhưng tiểu thương vẫn buôn bán, bởi lợi nhuận cao.


Anh Chiến, một chủ buôn tại chợ cho biết, gà Trung Quốc được nhập vào chợ với giá 33.000 đồng/kg, bán tại chợ Hà Vỹ với giá 50.000 đồng/kg; trừ các chi phí ra, cứ mỗi tạ gà Trung Quốc, người buôn lãi 700.000 đồng. Vì lợi nhuận, các thương lái tìm đủ mọi cách để “qua mặt” các cơ quan chức năng.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của Hà Nội đã bắt giữ và tiêu hủy khoảng 90 tấn gà không giấy tờ, không rõ nguồn gốc. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tình trạng này rất khó kiểm soát bởi biên giới tỉnh Lạng Sơn có quá nhiều lối mòn, các thương lái thường thuê cửu vạn đưa qua biên giới trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ông Đăng cho rằng, thay vì xử lý những người chở gà thuê thì phải xử lý những đầu nậu mới giải quyết triệt để được vấn nạn này.


Khó khăn trong công tác tiêu hủy cũng là một trở ngại ảnh hưởng đến công tác chống nhập lậu gà thải loại. Lãnh đạo Trạm Thú y huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng phải than: Bắt gà lậu đã khó mà tiêu hủy còn khó hơn! Có lần, trạm buộc phải tiêu hủy 3,1 tấn gà lậu. Tuy nhiên, khi gửi văn bản đến các địa phương trong huyện để xin đất tiêu hủy thì không địa phương nào nhận vì sợ lây lan dịch bệnh. Trạm phải làm hết giấy tờ này đến giấy tờ khác trình nhiều cấp, nhiều ngành và 3 ngày sau mới tiêu hủy được số gà lậu này.

 

Cần quyết liệt và cụ thể


Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 1108/CĐ-TTg về ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm, các tỉnh biên giới tập trung chỉ đạo từng xã, thôn biên giới, tuyên truyền vận động người dân cam kết không tham gia vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đồng thời, địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là nhập khẩu qua các đường tiểu ngạch; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt, trong công điện nhấn mạnh: Nhất định không cho gia cầm chưa qua kiểm dịch nhập khẩu vào nước ta.


Hiện nay, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng như các các bộ, ngành, địa phương đang tăng cường triển khai thực hiện công điện. Đơn cử, sau khi có công điện của Thủ tướng, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ và kiểm dịch thú y đối với sản phẩm là động vật, gia cầm nhập khẩu theo Công điện 1108/CĐ-TTg Thủ tướng; đồng thời có biện pháp hữu hiệu quản lý các chất kích thích tăng trưởng sử dụng trong chăn nuôi để bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm.


Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công an cũng được yêu cầu phải chỉ đạo các lực lượng chức năng phát hiện sớm, xử lý việc nhập lậu, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới nhằm ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn vào nước ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các tỉnh biên giới chỉ đạo cơ quan kiểm dịch tại biên giới tăng cường biện pháp và lực lượng để ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.


Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo Quốc gia về dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau khi có công điện của Thủ tướng chỉ đạo việc kiểm soát gà nhập lậu, nhiều biện pháp đã được tăng cường. Tuy nhiên đến nay, tình hình vẫn rất phức tạp, việc xử lý các vụ vi phạm so với thực tế còn ít. Còn theo đại tá Nguyễn Văn Lộc (Bộ Công an), hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo công an 63 tỉnh, thành vào cuộc, nhằm sớm chấm dứt tình trạng vận chuyển gà lậu qua biên giới.


Bên cạnh đó, theo TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, tiền phạt các chuyến xe chở gà thải loại hiện nay rất thấp trong khi việc xử lý số gà đó lại rất phức tạp, tốn kém. Do đó, bên cạnh việc phải phạt nặng những đối tượng này, cũng cần phải có kinh phí cho việc tiêu hủy. Đồng thời, cần có chính sách khen thưởng cho người bắt được, phát hiện được gà lậu.

 


Mạnh Minh

Siết chặt kiểm soát gà thải loại
Siết chặt kiểm soát gà thải loại

Sau khi Thủ tướng có Công điện 1108/CĐ-TTg, sự vào cuộc rốt ráo của các ngành đã kịp thời ngăn chặn gà lậu ngay từ vùng biên giới. Khoảng 3 tuần trở lại đây, tình trạng gà thải loại Trung Quốc tuồn về các chợ giảm hẳn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN