Tăng cường liên kết vùng trong nghiên cứu

Trong những năm qua, kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Các tỉnh Tây Nguyên có cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội cho thấy, kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính bền vững, chưa phát huy được những giá trị đặc thù và thế mạnh của vùng cũng như của từng địa phương, thậm chí đang đối mặt với những thách thức, cụ thể như: Không bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nhiên nhiên, không bền vững trong quản lý xã hội, thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trong từng lĩnh vực hay của cả vùng Tây Nguyên. Thực trạng đó đã dẫn đến xuất hiện các xung đột môi trường tự nhiên, mâu thuẫn bất ổn xã hội, thiên tai ngày càng khốc liệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu…

Nhiều đề tài khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 đã được chuyển giao vào thực tiễn cho các địa phương.Ảnh: Anh Dũng



Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, mô hình phát triển kinh tế của 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay đều na ná nhau, trong khi đó chưa có thể chế liên kết vùng, phân công giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế, mô hình phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động rẻ, xuất khẩu thô và theo đó thiếu hiệu quả, kém bền vững. Tỷ lệ đói nghèo vùng Tây Nguyên vẫn cao, giáo dục, y tế kém phát triển, các vấn đề về đất đai, tôn giáo, văn hóa, bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực phát triển (đặc biệt là đất đai), các dịch vụ xã hội giữa các nhóm, các dân tộc được cải thiện chưa nhiều; sự tham gia của dân cư vào các quá trình quản lý xã hội còn hạn chế, các thiết chế xã hội phi chính thức như gia đình, dòng họ, cộng đồng, già làng, trưởng buôn, các chức sắc tôn giáo… đã được coi trọng nhưng chưa đúng mức đối với quản lý xã hội trong quá trình phát triển….

Từ quan điểm tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững có tính đặc thù cho Tây Nguyên, các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 đã đưa ra các tư liệu điều tra sâu, rộng, chi tiết để khẳng định Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa là con đường tất yếu của Tây Nguyên, đồng thời, chỉ ra những khó khăn trong việc chuyển đổi không gian sinh tồn truyền thống đầy ắp những cảm xúc và giá trị tâm linh, văn hóa thành không gian kinh tế thị trường trong bối cảnh sự thoái hóa, xuống cấp, suy giảm tài nguyên thiên nhiên… Mặt khác, các nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra những động lực mới (như nông nghiệp gắn với công nghệ cao và sinh thái, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp , kinh tế hộ, trang trại, du lịch sinh thái, văn hóa đặc thù Tây Nguyên…). 

Đây là lời giải mới cho cho các vấn đề của Tây Nguyên nói chung, từ an ninh quốc phòng, môi trường, đất đai, tôn giáo, đô thị hóa, di cư, luật tục đến an sinh xã hội, tìm kiếm những thể chế, giải pháp, mô hình phát triển phù hợp, bền vững để kích thích sự đổi mới, tạo ra những động năng xã hội và phát huy vai trò chủ thể của người dân Tây Nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo vệ và phát huy các giá trị cơ bản nhiều mặt của vùng đất này, nhất là tài nguyên thiên nhiên và các tri thức văn hóa bản địa.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Chương trình Tây Nguyên 3 đã bước đầu phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả khá cao trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Nhiều đề tài khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 3 đã được chuyển giao vào thực tiễn cho các địa phương vùng Tây Nguyên tạo nên những chuyển biến bước đầu. Chỉ riêng trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã có 16 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ và giải pháp hữu ích. Tiêu biểu đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất thép, vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên đã được chuyển giao. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra dây chuyền quy mô công nghiệp và cho phép xây dựng đề án xây dựng nhà máy sản xuất thép, vật liệu xây dựng không nung trên từ tháng 5/2014. Các nhiệm vụ công nghệ sinh học, vật liệu, hóa học, công nghệ thông tin đều đạt kết quả cao trong chuyển giao cho nhiều đơn vị sản xuất trên Tây Nguyên.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chương trình Tây Nguyên 3 kiến nghị Nhà nước cần sớm có một chính sách đặc thù cho Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ, khuyến khích xây dựng doanh nghiệp khoa học công nghệ. Mặt khác, cần sự liên kết hợp tác của các nhà khoa học công nghệ tạo thành những hệ thống đồng bộ nhằm đạt hiệu quả cao nhất, toàn diện phục vụ tốt yêu cầu phát triển bền vững cho Tây Nguyên.

Quang Huy

Phát hành 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu Chính phủ
Phát hành 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 16/10/2014 của Chính phủ, vào lúc 1 giờ chiều giờ San Francisco (Mỹ) ngày 6/11/2014 (tức 4 giờ sáng ngày 7/11/2014 giờ Việt Nam) Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ đô la Mỹ ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN