Tăng cường hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch thủy sản

Cùng với việc tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng nhân rộng nhiều mô hình tổ đội, dịch vụ nghề cá thì việc linh hoạt trong thủ tục cho ngư dân vay vốn để tăng chất lượng bảo quản cho tàu cá… là những giải pháp đang được ngành thủy sản đẩy mạnh để hạn chế tổn thất sau thu hoạch đối với thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất của nghề cá.

 

Tổn thất 20% giá trị sản lượng


Theo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đối với thủy hải sản hiện nay trên 20%, có trường hợp tới 30% nếu chỉ bảo quản đơn thuần bằng muối.


Thu mua cá tại cảng cá Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

 

Theo phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổn thất trong thủy sản cao như vậy. Đó là: Tàu cá của ngư dân nước ta còn quá nhỏ, chất lượng hầm bảo quản rất kém. Không có các máy móc thiết bị để bảo quản sản phẩm trên tàu mà phương tiện bảo quản chỉ chủ yếu là đá lạnh và muối. Đôi khi, nước đá không đáp ứng được độ sạch đúng tiêu chuẩn. Với thời gian đánh bắt xa bờ thường kéo dài từ 1- 2 tháng trên biển, “công nghệ” lưu giữ như thế khiến chất lượng cá giảm rất nhiều từ lúc thu hoạch được đến khi tới tay người mua.


Thông tin từ Phòng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), kiểm tra một tàu cá ở Phú Yên vừa trở về sau chuyến đánh bắt được 14 - 15 con cá ngừ đại dương thì phát hiện tới 5 - 6 con cá bị sụt giảm chất lượng. Mặc dù chưa tới mức ươn, thối nhưng giá sản phẩm đã bị giảm đi 3 lần, từ 120.000 đồng/kg còn 40.000 đồng/kg. Mực trứng nếu bảo quản bằng đá thì chỉ sau một thời gian ngắn, chất lượng mực cũng đã giảm rất nhiều.


Theo Phòng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Tổng cục Thủy sản), sản lượng khai thác hải sản của nước ta năm 2011 đạt khoảng 2,2 triệu tấn. Nếu mỗi kg hải sản thu hoạch bị giảm giá 20.000 đồng do chất lượng xuống thấp thì sẽ bị thiệt hại 440.000 tấn, tương đương 20% sản phẩm thu hoạch được, tương đương khoảng 8.000 tỷ đồng.

Nhân rộng nhiều tổ đội, dịch vụ hậu cần trên biển


Tổ chức lại sản xuất trên biển, trong đó, giải pháp được đặt lên hàng đầu là hình thành các mô hình tổ đội đánh bắt giữa ngư dân chính là mô hình đang được nhân rộng để hạn chế tổn thất đang triển khai tại nhiều địa phương. Điển hình là các tỉnh: Bình Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng, đặc biệt tỉnh Quảng Ngãi đã hình thành được một số nghiệp đoàn nghề cá.


Sơ chế cá ngừ trước khi đưa lên xe cấp đông ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Lập - TTXVN

 

Mỗi tổ đội có khoảng 5 - 7 tàu cá, gom những ngư dân đánh bắt cùng ngư trường, hoặc cùng dòng họ, hoặc thân thiết. Tàu ra khơi sau sẽ tiếp tế lương thực thực phẩm cho tàu ra khơi trước đó. Ngược lại, tàu vào bờ sớm sẽ mang hải sản đánh bắt được cho những tàu khác ra khơi sau mình. Cứ một tháng, khoảng 5 tàu này luân phiên nhau ra khơi- vào bờ thì thời gian lưu giữ cá chỉ còn 5 - 7 ngày, do đó, chất lượng cá, mực… sẽ tốt hơn và giá bán được giá cao hơn.


Việc phát triển mô hình tổ đội không chỉ có lợi về kinh tế cho ngư dân, mà còn tạo sự đoàn kết giữa ngư dân với nhau, đảm bảo an ninh quốc phòng.


Cùng với mô hình tổ đội, tại một số địa phương đang ngày càng nhiều mô hình dịch vụ hậu cần theo kiểu tàu cá đi đến đâu, tàu thu mua đi đến đó, nên tàu đánh bắt không phải mang theo đá lạnh để bảo quản. Mô hình đang triển khai tốt tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... Các tàu thu mua ra tận biển với giá không thấp hơn là bao giá mua trong đất liền. Lợi nhuận thông qua chất lượng sản phẩm. Có thêm loại hình dịch vụ này, cách thu mua sản phẩm được đa dạng hơn, giúp ngư dân có nhiều cơ hội để chọn lựa khi bán sản phẩm.

 

Tạo cơ hội cho ngư dân đầu tư tàu cá hiện đại


Chính phủ đã có Quyết định 63/2010/QĐ- TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg (sửa đổi Quyết định 63) ngày 2/12/2011 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản trong đó hỗ trợ ngư dân vay vốn các ngân hàng thương mại. Theo đánh giá của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, ngư dân vẫn chưa tiếp cận được vốn.


Điều kiện cần để được hỗ trợ là ngư dân phải mua các máy móc, thiết bị bảo quản của các doanh nghiệp (DN) được Bộ NN&PTNT công bố. Về điều kiện này, hiện nay số DN tham gia hỗ trợ cho ngư dân rất ít, mới chỉ có 7 DN trong lĩnh vực thủy sản được Bộ NN&PTNT công bố là những DN đủ điều kiện cung cấp máy móc, trang thiết bị trong bảo quản sản phẩm… Trong đó, 6 DN ở TP Hồ Chí Minh và 1 DN ở Vũng Tàu. Điều kiện đủ là ngư dân phải vay được vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước thì mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng với điều kiện này thì hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện Quyết định 65/2011/QĐ-TTg.


Để ngư dân tiếp cận được với chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng trình tự thủ tục vay vốn cho ngư dân phải dễ dàng hơn (đối với ngư dân đang vay vốn ở một ngân hàng thương mại cụ thể, nếu tài sản thế chấp vẫn đảm bảo với một lượng vốn vay tăng thêm nhất định thì vẫn với bộ hồ sơ đó, nên tạo điều kiện cho ngư dân được vay thêm theo chính sách hỗ trợ mới này. Nói cách khác, tức là nới mức vay để họ trang bị thêm thiết bị máy móc bảo quản cho tàu cá). Đồng thời, phải tăng cường khuyến khích để tăng số DN có thể đáp ứng máy móc thiết bị lĩnh vực bảo quản hải sản cho tàu cá ở trên phạm vi cả nước.


Bên cạnh đó, hiện ngành khuyến ngư năm 2010 và 2011 đầu tư mỗi năm 2- 3 mô hình hầm bảo quản trên tàu cá theo hình thức nhà nước hỗ trợ 50% và ngư dân 50%. Mô hình này đang thực hiện ở một số tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Nghệ An… nhằm tăng độ giữ lạnh, thời gian giữ lạnh cho sản phẩm sau đánh bắt. Trong năm 2012 và 2013, Cục đề nghị ngành khuyến nông đầu tư hỗ trợ máy sản xuất nước đá trên tàu.


Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá để cải thiện chất lượng đội tàu, góp phần tăng hiệu quả bảo quản sản phẩm sau đánh bắt cũng đang được Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản xây dựng. Hiện nay, 99% tàu cá của ngư dân đều là tàu vỏ gỗ. Độ an toàn, chất lượng bảo quản không cao. Cần thay đổi dần theo hướng chuyển sang loại tàu có vỏ là vật liệu kim loại. Dự kiến mức hỗ trợ sẽ khoảng 16% giá trị con tàu đóng mới. Lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, Cục đang xem xét để kiến nghị Bộ Tài chính nên khuyến khích nếu ngư dân đóng tàu mới thay thế với chất liệu vỏ tàu kim loại thì hỗ trợ mức cao hơn là đóng tàu vỏ gỗ.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN