Tăng cường đối thoại để gắn kết với doanh nghiệp

Phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn (ảnh), Phó Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) về những hạn chế và yêu cầu đặt ra với Bắc Kạn.

Thưa ông, nguyên nhân nào mà PCI của Bắc Kạn trong thời gian qua không cao?

PCI của Bắc Kạn trong năm 2011 đạt 52,71 điểm. Với điểm số này PCI Bắc Kạn đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trên cả nước. Nguyên nhân chủ quan đánh giá thì dưới con mắt các nhà doanh nghiệp (DN), Bắc Kạn không hấp dẫn bởi hạ tầng kém phát triển, vị trí địa lý không thuận lợi, nguồn lực lao động không cao kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt Bắc Kạn không có nhiều chương trình, dự án lớn của Trung ương đầu tư… Rõ ràng môi trường đầu tư kinh doanh ở Bắc Kạn rất khó.

Trong muôn vàn cái khó như vậy nhưng để cải thiện từng lĩnh vực thì việc đầu tiên Bắc Kạn nên làm là tập trung vào khâu chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính để làm sao cho nhà đầu tư, DN thấy được ở Bắc Kạn thủ tục hành chính nhanh gọn. Rõ ràng cần có một định hướng điều hành mạnh để Bắc Kạn có hướng đột phá, cải thiện môi trường kinh doanh.

Vậy ông có đánh giá gì về tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh Bắc Kạn?

Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh là một trong 9 chỉ số của PCI, nhưng nó “không có chỉ số cứng” để đánh giá, mà chúng tôi chỉ dựa vào cảm nhận của các DN đang hoạt động ở địa phương nhận xét. Chúng tôi tìm hiểu các DN và hỏi họ về lãnh đạo tỉnh có năng động và sáng tạo trong việc giải quyết những bất cập cho DN hay không. Hay chính quyền có thiện cảm với DN tư nhân không? Đó là những nội dung mà VCCI tham khảo ý kiến các DN để đánh giá chỉ số ấy. Mặc dù không có quy định nào nói lãnh đạo tỉnh hay lãnh đạo các sở, ngành phải chăm lo cho DN, nhưng khác với các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam đã có ý thức “chăm sóc DN”, xu hướng “hậu mãi DN” rất tốt để mời gọi đầu tư.

Một thực tế là nhiều DN khi tìm kiếm cơ hội đầu tư thường gặp những khó khăn như đất đai, môi trường, an ninh trật tự… Nếu lãnh đạo tỉnh đứng gần DN, tăng cường đối thoại với DN, lắng nghe DN thì đây là cách thức để hiểu DN hơn và cùng hàng động giúp đỡ DN. Hay như ở tỉnh Đồng Tháp, mỗi buổi sáng chủ nhật, Chủ tịch UBND tỉnh lại có buổi “cà phê doanh nhân”, đối thoại với DN để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ cho DN, đây là cách làm rất hay. Tôi nghĩ trên thực tế, có nhiều tỉnh, nhiều địa phương có những hàng động cụ thể như vậy làm cho DN kỳ vọng hơn. Từ đó cả lãnh đạo tỉnh lẫn DN sẽ thay đổi tư duy, thay đổi góc nhìn và cùng hướng tới một sự phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Viết Tôn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN