Tận dụng ưu đãi để hội nhập FTA

Nhiều cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực trong thời gian tới với nhiều tác động có thể dự đoán trước, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt các cơ hội để hội nhập quốc tế.


Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm Kết nối Ngân hàng và Doanh nghiệp xuất khẩu đón bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/9, tại Hà Nội.


Năm 2015 và 2016, với nhiều cam kết trong các hiệp định FTA có hiệu lực, điển hình như xóa bỏ hoàn toàn thuế quan trong khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015, xóa bỏ thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) năm 2016… Bên cạnh những tác động tích cực như giúp DN đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh…. thì DN Việt Nam phải đứng trước nhiều thách thức.


Ngành chế biến gỗ được xóa bỏ hoàn toàn 65% thuế suất sau khi gia nhập hiệp định tự do.


Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đa số các DN của Việt Nam đều là DN có quy mô nhỏ, hạn chế cả về kiến thức, kinh nghiệm trình độ quản lý cũng như vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường. Do đó, trong quá trình hội nhập, các DN này sẽ gặp không ít khó khăn. “Khả năng vận dụng những ưu đãi của các FTA của DN còn kém. Đồng thời thiếu các DN đầu tàu, mũi nhon để chiếm lĩnh thị trường thế giới. Cùng đó là những thách thức về điều chỉnh hệ thống pháp luật liên quan”, ông Hải cho biết.


Dưới góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Nam (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) cho biết: “Năng lực cạnh tranh của DN vừa và nhỏ của Việt Nam chưa thực sự mạnh, nguy cơ tiềm tàng mất thị trường nội địa là khá lớn. Khi Việt Nam ký kết các FTA, nếu không tận dụng tốt, các DN vừa và nhỏ không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó giữ vững”.


Trước những thách thức mà DN vừa và nhỏ Việt Nam có thể gặp phải, bà Hoàng Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đề xuất, cần hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định, đồng bộ các khung pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tạo bước đột phá và có cơ chế chính sách để DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DN vừa và nhỏ. Đồng thời, hình thành hệ thống thông tin hỗ trợ DN vừa và nhỏ để cung cấp thông tin về chính sách, ưu đãi…


Cùng với đó, các chuyên gia đề xuất, cần có các văn bản, cơ chế hướng dẫn về chính sách hỗ trợ các DN tham gia FTA để các DN có thể chủ động trong quá trình hội nhập. Đồng thời, sự phối hợp giữa các bộ chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ chế hiệu quả đảm bảo tham gia của công chúng, cộng đồng.


“Không thể có bất kỳ ai thay thế DN trong thực hiện và khai thác lợi ích từ các FTA. Ngay lúc này, bản thân các DN Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về các cơ hội thị trường của FTA, đặc biệt là thông tin ưu đãi về thuế liên quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ… để khẳng định vị trí trên sân nhà và tận dụng cơ hội thâm nhập sâu vào các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất của thị trường FTA rộng lớn”, bà Phạm Hồng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đề xuất.


Thu Trang
Giới kinh doanh Hàn Quốc kêu gọi Quốc hội phê chuẩn FTA với Việt Nam
Giới kinh doanh Hàn Quốc kêu gọi Quốc hội phê chuẩn FTA với Việt Nam

42 tổ chức kinh doanh của Hàn Quốc đã gửi một bức thư tới Quốc hội đề nghị nhanh chóng thông qua FTA với Việt Nam, Trung Quốc và New Zealand nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN