Tân Biên - 40 năm sau giải phóng

Chúng tôi về thăm lại Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) vào những ngày đầu tháng tư lịch sử. Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Tân Biên, mảnh đất căn cứ địa cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến cũng nhộn nhịp hơn, cả huyện như được sống trong không khí lễ hội, tưng bừng chào đón các đoàn khách là các cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị từ mọi miền của đất nước về thăm lại chiến khu xưa, nơi họ đã có một thời tuổi trẻ sống và chiến đấu. Những người đồng đội cũ gặp nhau, tất cả đều tuổi cao, tóc đã bạc, sức đã yếu, có những giọt nước mắt đã rơi sau nhiều năm xa cách, có những nụ cười, vui mừng trước những đổi thay đến kỳ diệu của vùng đất này.

Tân Biên ngày ấy

Trong ký ức của những người đã từng sống và làm việc ở đây, trước ngày giải phóng, Tân Biên là vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đế quốc Mỹ đã trút xuống đây hàng vạn tấn bom đạn. Cả huyện không chỗ nào là không bị bom đạn cày xới. Mặt đất loang lổ hố bom đìa, bom B52. Những cánh rừng nguyên sinh, rậm rạp bị chất độc màu da cam hủy hoại, chết khô, trơ trụi. Các tuyến đường giao thông, hầu hết là đường đất đỏ, chủ yếu để phục vụ chiến tranh, không được duy tu sửa chữa. Vào mùa mưa mặt đường lầy lội như mặt ruộng cày, với những ổ gà, ổ trâu sâu hoắm, không loại xe nào qua nổi. Vào mùa khô, bụi đỏ cuốn lên mù mịt theo từng cơn gió phủ kín mọi thứ trên đường.

Nhiều tuyến đường ở thị trấn Tân Biên (huyện Tân Biên) ngày nay được mở rộng, khang trang hơn.



Dạo ấy, có việc phải đi ra đường ai cũng phải có chiếc khăn rằn quấn che kín mặt, chỉ để hở đôi mắt, để vừa che nắng, vừa che bụi. Khổ nhất là tìm chỗ nghỉ chân. Có khi đi bộ cả quãng đường dài mới gặp được một cái quán nhỏ lèo tèo mấy thứ hàng hóa lặt vặt như gói mì tôm ăn liền, gói trà củ măng, gói bột ngọt, ít cá khô, chai mắm nêm… Chỉ một vài nơi có dân cư tập trung mới có những hiệu tạp hóa, tiệm hủ tiếu, quán cơm bình dân. Đất đai ở Tân Biên rất rộng lớn và màu mỡ, thích hợp cho các loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp, nhưng phần lớn bỏ hoang hóa do chiến tranh ác liệt, người dân phải bỏ đi nơi khác sinh sống.

Làng xóm chỉ có những mái tranh nghèo xơ xác, thưa thớt bóng người. Từ năm 1972, một phần diện tích của Tân Biên ở dọc theo biên giới như Lò Gò, Xóm Giữa, Thiện Ngôn, Xa Mát, Cần Đăng, Cà Tum… đã được giải phóng. Một số ít dân đã trở về làm ăn, sinh sống, nhưng sản xuất còn mang nặng tính chất tự cấp, tự túc: Làm rẫy, trồng mì, bắp, rau đậu, một ít diện tích lúa không đáng kể.

Và bây giờ

Đối với những người sau 40 năm mới có dịp trở lại, Tân Biên đã hoàn toàn thay đổi, có thể nói là diệu kỳ. Những di chứng của chiến tranh đã biến mất trên mảnh đất này. Trên những con đường tôi đã đi qua: Quốc lộ 22, đi qua trung tâm thị trấn Tân Biên, nối liền từ cửa khẩu Xa Mát, qua Thiện Ngôn, Cần Đăng, Trại Bí, Mỏ Công về thị xã Tây Ninh; tỉnh lộ 247 chạy dài từ ngã ba Cần Đăng đến ngã ba Đồng Pan; tỉnh lộ 20 từ ngã ba thiện Ngôn đến sông Vàm Cỏ Đông, qua Lò Gò, Xóm Giữa… đều được trải nhựa, phẳng lỳ, rộng thênh thang.

Hai bên đường là những khu dân cư sầm uất. Nhà cửa, khu thương mại, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… được xây cất kiên cố, khang trang. Thị trấn Tân Biên nằm ở trung tâm huyện, được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, với các phân khu chức năng, các con phố rộng rãi, thông thoáng, rợp bóng cây xanh mang dáng vẻ một đô thị hiện đại. Những cánh đồng loang lổ hố bom, hoang hóa đầy cỏ tranh, lau sậy năm nào đã được thay thế bằng những cánh đồng mía, khoai mì, vườn cây ăn quả và những vườn cây cao su bạt ngàn, xanh tốt.

Trong mắt tôi, Tân Biên hiện ra hình ảnh sinh động của một vùng đất thanh bình và đang khát vọng vươn lên làm giàu. Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Nguyễn Văn Thông, từng là chiến sĩ du kích, bám trụ trên mảnh đất này, trưởng thành từ cơ sở, nên anh hiểu rõ mỗi bước đi trên chặng đường nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Biên để có ngày hôm nay. Anh cho biết; Hơn một năm sau ngày giải phóng, niềm vui cùng cả nước hưởng hòa bình, thống nhất chưa được bao lâu, Đảng bộ, nhân dân Tân Biên lại phải lao vào cuộc chiến đấu mới chống quân Pôn Pốt xâm lược. Mất mát đau thương, gian khổ hy sinh lại một lần nữa thử thách tinh thần và ý chí của Đảng bộ, nhân dân trong huyện. Tân Biên chỉ thực sự bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới bắt đầu từ năm 1980. Từ đó đến nay, Đảng bộ huyện Tân Biên đã trải qua 10 nhiệm kỳ Đại hội.

Mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu thích hợp để có thể khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng và truyền thống của huyện căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tân Biên đoàn kết một lòng, lao động cần cù, năng động, sáng tạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân.

Từ một huyện biên giới xa xôi, chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế thuần nông, thường xuyên thiếu đói, đến nay, kinh tế của huyện hàng năm tăng trưởng khá toàn diện và đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,65%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Sản xuất nông - lâm nghiệp, được đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Mô hình kinh tế trang trại trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả được huyện khuyến khích và nhân rộng.

Từ năm 1990, sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, huyện đã xác định được 3 loại cây trồng chủ lực phù hợp với đất đai, khí hậu để tập trung phát triển là cây mía, cây khoai mì và cây cao su. Trong tổng số diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn huyện là 54.719 ha, thì diện tích cây cao su là 22.000 ha, khoai mì 7.000 ha và mía dao động từ 5.000 đến 10.000 ha. Là một huyện biên giới, có nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền Tân Biên xác định muốn đưa kinh tế của địa phương phát triển nhanh và bền vững phải có hướng đi và giải pháp đột phá để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình.

Những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá được Tân Biên kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế biến để sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ nông nghiệp, và đặc biệt là phát huy lợi thế có đường biên giới dài gần 100 km với nước bạn Campuchia để phát triển kinh tế cửa khẩu. Từ suy nghĩ đúng và hành động quyết liệt, Tân Biên đã tạo ra được bước phát triển nhanh về sản xuất công nghiệp, quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa được nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 369 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hai cụm công nghiệp đang hình thành, bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân hàng năm 25,82%.

Cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 33,75% trong cơ cấu kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cũng có chuyển biến tích cực, đặc biệt là hoạt động mậu dịch biên giới. Huyện đã hình thành được một cửa khẩu quốc tế Xa Mát và hai cửa khẩu phụ ở Chàng Riệc, Tân Phú tạo thuận lợi cho nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa hai nước. Trong những năm qua, dù nguồn vốn còn nhiều khó khăn, Tân Biên đã có nhiều nỗ lực tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, vốn tự có và vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2010 đến 2015, toàn huyện đã có 343 dự án được triển khai, với tổng vốn đầu tư 1.082 tỷ đồng, trong đó có 170 dự án giao thông, với 155,6 km đường nhựa, 192 km đường rải sỏi; xây dựng mới và nâng cấp 10 trạm y tế xã, 45 trường học, 3 trung tâm văn hóa xã… Điện lưới quốc gia đã phủ khắp địa bàn huyện, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,55%.

Là một huyện biên giới, với 12 dân tộc anh em, tập quán, trình độ khác nhau, phân bố rải rác, mật độ dân số thấp, việc xây dựng chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân hưởng ứng và triển khai rất tích cực. Huyện đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, vốn của các chương trình 135, chương trình 160, vốn của tỉnh, của huyện và nguồn vốn do nhân dân đóng góp, xây dựng được nhiều công trình đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi... Đến năm 2014, toàn huyện đã có 1 xã hoàn thành 19 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Năm nay, thêm một xã nữa đạt chuẩn. Các xã còn lại đều đã đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Bộ mặt nông thôn Tân Biên đã thay đổi toàn diện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Vào những ngày này, Đảng bộ huyện Tân Biên cũng đang tích cực chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ lần thứ XI (2015 - 2020), Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thông bày tỏ tin tưởng, với truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo Đảng bộ và nhân dân Tân Biên nhất định sẽ thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn mới, đưa Tân Biên trở thành vùng đất ấm no, hạnh phúc, trù phú và bình yên.

Nhật Nam
'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng
'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng

Vùng đất thép Củ Chi anh hùng - giờ đây là một huyện ngoại thành, TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ Sài Gòn và Sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN