Tầm nhìn và sứ mệnh mới của VCCI trong giai đoạn phát triển đất nước

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam diễn ra sáng ngày 31/12 ở Hà Nội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, những vận hội và thách thức chưa từng có; đặc biệt là dưới tác động của đại dịch COVID-19, tầm nhìn và sứ mệnh mới của VCCI cũng cần có những điều chỉnh và đổi mới cho phù hợp với thực tiễn. 

Đó là sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, theo đó, tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, hướng tới mục tiêu cốt lõi vì: "Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng".

Chú thích ảnh
Ban Chấp hành VCCI nhiệm kỳ 2021-2026 ra mắt Đại hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua của VCCI có cả những thuận lợi lẫn khó khăn, thách thức vô cùng lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Vượt qua những thách thức, VCCI đã hoàn thành tốt các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ công tác đã đề ra, thu được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật, từ việc tham gia xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp Trung ương cùng với các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, đến các hoạt động hội nhập quốc tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp phát triển.

VCCI cũng đã nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng chung tay phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế. “Ước tính đến cuối năm 2021, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế khoảng 850.000 doanh nghiệp, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Nền kinh tế nước ta cũng có bước phát triển đáng tự hào, với tốc độ tăng trưởng luôn thuộc nhóm cao nhất thế giới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và VCCI tự hào vì đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước”.

Đặc biệt, vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao không chỉ ở trong nước cả trên thế giới. VCCI được cộng đồng kinh doanh quốc tế đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất trong các nền kinh tế đang phát triển và là một đối tác mạnh trong cộng đồng các Phòng Thương mại - Công nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư trên thế giới.

Trước thềm năm 2022, năm mới của niềm tin và hy vọng mở ra những vận hội mới cho sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và sự thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và thời cơ đan xen từ diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, từ xu hướng chuyển đổi số, từ kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam...

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây cũng là khát vọng của dân tộc, đất nước đang trông chờ ở cộng đồng doanh nghiệp những chiến lược và giải pháp để góp phần thực hiện khát vọng này. Cũng như các doanh nghiệp đang trông chờ ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam những quyết đáp đổi mới, đáp ứng yêu cầu và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp giúp tận dụng được các cơ hội và hoá giải các thách thức hiện nay.

Đề cập tới phương hướng, nhiệm vụ công tác của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức đan xen với không ít thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra những mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước trong nhiệm kỳ này, cũng như tầm nhìn đến năm 2030-2045.

Theo đó, “VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy, tầm nhìn, sứ mệnh, phương hướng, nhiệm vụ của VCCI phải được xác định dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời gắn với nhu cầu hỗ trợ phát triển của các doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, đòi hỏi VCCI phải có những đổi mới căn bản, kịp thời về tầm nhìn, định hướng phát triển của tổ chức, đổi mới cơ chế hoạt động và phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua được các khó khăn, thách thức và tận dụng các cơ hội phát triển trong tình hình mới”.

Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

Để thực hiện sứ mệnh nói trên, theo ông Vinh, VCCI xác định một số mục tiêu chung và cụ thể như: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN +4; Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập, khai thác hiệu quả các cơ hội từ quá trình thực thi các FTA thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

VCCI sẽ thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, đồng thời xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Nâng cao vai trò tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, là trung tâm liên kết, hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả hoạt động của VCCI xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế...

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
VCCI thống nhất đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
VCCI thống nhất đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức trọng thể vào sáng ngày 31/12, đã thông qua quyết định đổi tên “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN