Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Hướng đến sự phát triển bền vững

Tại Hội nghị tham vấn Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tổ chức tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 6/4, nhiều chuyên gia của các tổ chức quốc tế cho rằng, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể chỉ chú trọng vào tăng giá trị xuất khẩu mà cần phải tính đến nhiều yếu tố liên quan.

Hướng đến mục tiêu cường quốc xuất khẩu nông sản

Theo Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), định hướng chung của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tiếp tục phát triển mạnh ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, có thị trường trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng, miền. Đồng thời, tập trung tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản.

Chế biến sản phẩm mực xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN


Theo dự thảo Đề án tái cơ cấu, đến năm 2020, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân của ngành trồng trọt đạt 3%/năm; ngành chăn nuôi đạt 7- 8%/năm; ngành thủy sản đạt khoảng 11%/năm; ngành lâm nghiệp là 4%/năm. Đặc biệt, việc tái cơ cấu đó nhằm hướng đến mục tiêu “trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản”.
Để tái cơ cấu, Đề án xác định phải chú trọng chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo từng lĩnh vực. Cụ thể, trong nông nghiệp, ưu tiên đầu tư giống cây trồng, vật nuôi phục vụ chuyển đổi cơ cấu; các dự án phòng chống sâu bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thủy sản, tăng đầu tư hạ tầng vùng nuôi tập trung, giống thủy sản; phát triển hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh; đầu tư các dự án cảng cá, khu neo đậu. Lĩnh vực lâm nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư giống cây lâm nghiệp, phát triển dịch vụ môi trường rừng. Ở lĩnh vực thủy lợi sẽ tập trung vốn cho các dự án hoàn thành; ưu tiên nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư; phát triển ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm; ưu tiên đầu tư công trình hệ thống hơn là công trình đầu mối.

Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng được đưa ra là: Đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế và tiếp tục đổi mới chính sách.

Chú trọng nhiều mục tiêu

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam mà Bộ NN&PTNT đang cân nhắc là một hướng đi đúng, tuy nhiên, theo đa số các chuyên gia thế giới, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp được nêu trong Dự thảo còn tập trung vào nhiều mục tiêu liên quan đến từng ngành hàng riêng biệt mà thiếu đi các nội dung về các chính sách cần thiết để nâng cao vị thế của người nông dân.

“Cần xem kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thế nào cho phù hợp trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường đầu tư tư nhân, tăng cường đầu tư nước ngoài… Cần cung cấp cho các nhà tài trợ, các đối tác như chúng tôi thấy thông tin cụ thể hơn về môi trường chính sách để tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. (Bà Victoria Kwa- Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)

Đại diện Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) cho rằng, việc tái cơ cấu tập trung nhiều vào xuất khẩu hàng hóa như bản Dự thảo Đề án đưa ra với mục tiêu muốn xây dựng hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản mạnh là chưa đủ. Cần phải tính đến nhiều mục tiêu khác liên quan, mà một trong những mục tiêu quan trọng là bảo vệ môi trường sống của các loài động vật, đảm bảo đa dạng sinh học. Hiện nay, môi trường những khu vực rừng ngập mặn, đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nặng nề và thiếu kiểm soát. “Việc tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đến xây dựng hình ảnh một Việt Nam phát triến bền vững chứ không thể chỉ chú trọng vào xuất khẩu nông sản”, chuyên gia này góp ý.

Theo ông Shimzu Akira, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, một nghiên cứu của JICA cho thấy sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong nước của Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, với những tiềm năng hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm chế biến thực phẩm cho cả khu vực. Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam chính là mức độ an toàn thấp cả đối với nguyên liệu thô và nguyên liệu đã qua chế biến.

Chính vì vậy, Phó trưởng đại diện JICA tham vấn: Việc đảm bảo quá trình sản xuất, canh tác đảm bảo an toàn cùng với hệ thống thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là điều then chốt để ngành nông nghiệp Việt Nam thu hút vốn FDI.

Không bỏ rơi nông hộ nhỏ lẻ

Một trong những định hướng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển nhanh sản xuất sang quy mô lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Đề án tái cơ cấu cần xem xét đến việc quan tâm đúng mức tới những hộ nông dân nhỏ lẻ.

Đại diện của tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) cho rằng, giải pháp để tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới là cần thiết. Nhưng, trong quá trình đó, cần quan tâm đến sự phát triển của những hộ nông dân nhỏ.

Bà Lê Minh, chuyên gia của Oxfam tại Việt Nam, một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực phát triển nông thôn cũng đồng tình với điều này. Theo bà Minh, người nông dân Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương. “Chính vì thế, bên cạnh việc chú trọng vào nông nghiệp hàng hóa vẫn cần phải công nhận sự cần thiết của nông nghiệp quy mô nhỏ”, chuyên gia của tổ chức Oxfam nêu quan điểm.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN