Tái cơ cấu nền kinh tế - Phải xác định được mô hình tăng trưởng

Tại cuộc tọa đàm “Cơ cấu lại nền kinh tế”, do báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tại Hà Nội gần đây, nhiều đại biểu đã cho rằng, để tái cơ cấu nền kinh tế phải xác định rõ mô hình tăng trưởng kinh tế, tạo sức cạnh tranh, sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Không chỉ là cắt, giảm

Đóng dấu các sản phẩm xuất khẩu tại Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thuộc Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: TTXVN


Đánh giá lại việc thực hiện đầu tư công trong thời gian qua, Tiến sĩ Lê Đình Ân cho rằng, chúng ta mới chỉ chú trọng đến vấn đề cắt, giảm dự án mà chưa quan tâm tới việc điều chỉnh, xem xét những văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này. Tiến sĩ Ân cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công còn thiếu đồng bộ, chưa ăn khớp và mang tính hành chính nhiều hơn là thị trường. Ông Ân cũng nhấn mạnh đến việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu. Theo ông, hiện nay, dự án đầu tư trước khi được phê duyệt đã được thông qua cuộc họp của ban lãnh đạo các cấp…, nhưng khi xảy ra sự cố thì lại không biết quy trách nhiệm cho ai.

Nhiều đại biểu tham gia tọa đàm cũng nêu ý kiến, cơ chế quản lý đầu tư công còn chưa phù hợp. Chính sách đầu tư trong thời gian qua chưa chú ý đến công tác quy hoạch, dẫn đến sự thay đổi liên tục: Như trường hợp về sân golf, khu kinh tế... Tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hiện hữu cũng là một vấn đề khó khăn cho việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Ân, ông Lê Hải Mơ, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, không nên máy móc trong việc cắt, giảm dự án. Cần phải cân nhắc để việc cắt, giảm dự án không tạo khoảng trống cho nền kinh tế. Việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm đối với các dự án đầu tư công cũng cần phải chú trọng.

Tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong những năm qua, theo chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đã phát triển theo chiều rộng. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp chưa đi sâu, chưa hướng vào năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới đã buộc kinh tế Việt Nam phải vận động phát triển chất lượng hơn và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phải cuốn theo xu hướng này. Theo ông Lộc, giải pháp trước mắt là phải tăng được sức ép cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ông Lộc đã dẫn chứng về vấn đề này thông qua sự cạnh tranh của ngành viễn thông. Ông cho rằng, chính tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông là giải pháp buộc các doanh nghiệp ngành này phải thay đổi tư duy, cách làm trước đây để tạo được chỗ đứng.

Cũng theo ông Lộc, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần phải đặt trong chuỗi liên kết của doanh nghiệp nhà nước với nhau và với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, một thực tế xảy ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khó khăn về nguồn vốn chính là việc phải bán cổ phần cho công ty nước ngoài. Theo ông, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm và có chính sách để các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác trong nước thực hiện việc sáp nhập, mua bán lẫn nhau để tăng tiềm lực nội địa. Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nói chung cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nhà nước theo hướng này.

Ý kiến của nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường áp dụng hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Thời gian qua, do chưa áp dụng tốt quản trị, việc minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp nhà nước còn kém. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước cần phải tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán để minh bạch hóa dần thông tin.

Hải Yến

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Làm quyết liệt nhưng không gây “sốc”

Hội thảo "Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng - kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam", tổ chức ngày 21/12, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trước mắt, chúng ta phải xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, gây rủi ro hệ thống. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng hệ thống ngân hàng theo quy chuẩn và một hệ thống giám sát tài chính mạnh, để thị trường hoạt động đúng nguyên tắc thị trường, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và phân bổ nguồn vốn của nền kinh tế một cách hiệu quả.

Theo TS Ngoạn, việc tái cấu trúc lần này sẽ được triển khai quyết liệt nhưng nên lưu ý một vấn đề quan trọng là không gây “sốc” cho thị trường và người dân.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nêu rõ, bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như Việt Nam qua 2 lần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho thấy, việc tái cấu trúc ngân hàng phải được tiến hành một cách căn bản, triệt để toàn diện và thận trọng với những lộ trình thích hợp để đảm bảo quá trình tái cơ cấu không ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền, không gây ra những sự đổ vỡ của hệ thống, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội với chi phí thấp nhất. Đây là quan điểm cần được quán triệt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần này.

Để tái cấu trúc triệt để, TS Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng trường Đào tạo Nhân lực Viettinbank cho rằng, việc làm đầu tiên là cần rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đây được coi là vấn đề then chốt trong tiến trình tái cấu trúc. Bước tiếp theo, rà soát tất cả các ngân hàng thương mại theo các tiêu chí đối với các NHTM năng lực tài chính hạn chế, luôn luôn thiếu thanh khoản... để có cách xử lý.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN