Tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên chậm

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hiện các tỉnh Tây Nguyên mới trồng tái canh được trên 57.420 ha cà phê và chủ yếu tập trung tại hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk trong khi mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020 phải trồng tái canh 200.000 ha.

Thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã sử dụng các giống mới cà phê vối như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 và trồng trên phần lớn diện tích. Đây là các giống cà phê vối chống chịu được sâu bệnh, kháng cao với bệnh gỉ sắt, thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, nhân cà phê lớn (có trọng lượng 100 nhân cà phê trên 20 g), cho năng suất cao, chất lượng nước uống tốt. Nhờ đó, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng cà phê xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Người dân thu hoạch cà phê tại Đắk Nông.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tuyên truyên, hướng dẫn, vận động các nông hộ, các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đầu tư trồng tái canh cà phê. Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Chương trình Hợp tác Công tư (PPP), Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng đã hỗ trợ hạt giống lai, cây cà phê giống cho các nông hộ ở các tỉnh Tây Nguyên có nhu cầu trồng tái canh cà phê.

Riêng tại Đắk Lắk, từ năm 2012 đến cuối năm 2015, Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã hỗ trợ cho các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên 6.255 kg hạt giống và 111.400 cây cà phê giống mới với các dòng vô tính chọn. Thông qua Chương trình Hợp tác Công tư (PPP), Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng đã hỗ trợ 50% chi phí cây giống cho các nông hộ có nhu cầu trồng tái canh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc trồng tái canh cây cà phê vẫn quá chậm trong khi mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020 phải trồng tái canh 200.000 ha.

Nguyên nhân không chỉ ở khâu tổ chức sản xuất, thiếu vốn đầu tư mà còn do hạn chế về giải pháp kỹ thuật, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện sản xuất cà phê ở Tây Nguyên chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ với hơn 85% tích đều do các nông hộ trực tiếp quản lý, sản xuất.

Do đó, việc rà soát, đánh giá lại chất lượng vườn cây, thống kê diện tích vườn cây chưa đầy đủ. Đa số diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu nằm ở các nông hộ, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nếu theo quy trình tái canh 2 năm cải tạo đất, 3 năm trồng kiến thiết cơ bản thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và đời sống của các nông hộ trong thời gian dài. Chính vì vậy, các nông hộ ở Tây Nguyên chưa mạnh dạn trong việc tái canh cây cà phê.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một trong những điều kiện vay vốn tái canh cà phê là các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách tái canh cà phê được địa phương xác nhận để làm cơ sở cho việc tổ chức thẩm định cho vay. Nhưng đến nay, việc tổng hợp danh sách còn chậm, thậm chí có một số huyện ở các tỉnh có cà phê ở Tây Nguyên vẫn chưa được triển khai.

Chương trình cho vay tín dụng thực hiện tái canh cà phê vẫn còn chưa thật sự hấp dẫn do hạn mức vay thấp, giải ngân vốn vay theo tiến độ triển khai không đáp ứng nhu cầu của các nông hộ để đầu tư tái canh, cải tạo các vườn cà phê (vốn vay tối đa chỉ có 150 triệu đồng/ha, giải ngân theo tiến độ từ 2 đến 3 lần). Nhiều nơi lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn…

Các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị cần có cơ chế cụ thể về cho vay tái canh cây cà phê phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương cũng như xây dựng Quỹ bình ổn giá cà phê để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. Ngân hàng Nhà nước cũng cần bổ sung, điều chỉnh các phương thức cho vay vốn tái canh, cải tạo cà phê linh hoạt, phù hợp với thực tế nhu cầu của các nông hộ trồng cà phê của từng địa bàn; xem xét, giải quyết đồng thời vừa cho vay tái canh vừa cho vay sinh kế để giúp cho các nông hộ ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, việc giải ngân vốn theo tiến độ từ 2 đến 3 lần không đáp ứng nhu cầu của các nông hộ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm điều chỉnh quy trình giải ngân cho phù hợp…để các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê “mặn mà” với việc vay vốn đầu tư trồng tái canh cà phê, nhằm góp phần phát triển bền vững cà phê ở Tây Nguyên.
Quang Huy
Cà phê “một mình một chợ” nhưng giá vẫn giảm
Cà phê “một mình một chợ” nhưng giá vẫn giảm

Trên thị trường cà phê thế giới hiện nay, Việt Nam gần như “một mình một chợ” thế nhưng giá cà phê Việt Nam không những không tăng mà còn giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN