“Sức khỏe” DN hồi phục nhưng cần thêm “bà đỡ” chính sách

Theo Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang được cải thiện đáng kể.


Cụ thể: Doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm nay tăng 28,1% về lượng và 37,7% về vốn (so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô hoạt động và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp có phần khởi sắc hơn. Đơn cử: Doanh thu bình quân doanh nghiệp phi tài chính trong 9 tháng năm nay tăng 26,37% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2014 ở mức âm 10,43%).


Sản xuất khăn bông các loại tại Công ty cổ phần dệt Hà Đông- Hanosimex. 11 tháng năm nay, Công ty tiêu thụ được hơn 1.130 tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 218 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Sinh- TTXVN

“Sản xuất phục hồi khá, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm 2015 tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với mức 7,5% của cùng kỳ năm 2014. Còn chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng qua tăng nhẹ lên mức 50,1 (tháng 9 chỉ đạt dưới 50 điểm). Nhìn chung, PMI bình quân năm 2015 đạt gần 52 điểm, xấp xỉ mức bình quân năm 2014 (52,4 điểm)”, đại diện UBGSTC nhận định.


Theo các chuyên gia thương mại, 11 tháng năm nay, tình hình xuất khẩu tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi xuất khẩu của khu vực trong nước 11 tháng năm 2015 giảm 2,6% so với cùng kì 2014 (cùng kì 2014 tăng 10,6%). Tính chung 11 tháng, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức 2,5%, tỷ lệ này có xu hướng giảm dần so với các tháng trước đó và thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra của Quốc hội là 5%.


Mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế khá tích cực nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc vẫn lo ngại, điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực - khu vực tư nhân trong nước. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh; chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương của các FDI. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ.


“Nguyên do yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học. Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Lộc nói.


Theo VCCI, việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn nhưng vẫn là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Đây cũng là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Bên cạnh đó, việc cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan tiếp tục cần được chú trọng để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp.


Để nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế Việt Nam, VCCI đề xuất Chính phủ có Chương trình Quốc gia về khởi nghiệp. Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp đặc biệt là trong lớp trẻ, đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.

Minh Phương
Doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam
Doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam

Nhằm đón đầu cơ hội và lợi thế khi Việt Nam gia nhập TPP và AEC (Cộng đồng chung Asean), hiện rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào nước ta. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dòng vốn này sẽ còn chảy mạnh hơn nữa khi các cam kết trên có hiệu lực.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN