Sức hấp dẫn của Chân Mây - Lăng Cô là không gian xanh

Theo các chuyên gia kinh tế, sức hấp dẫn của Lăng Cô chính là không gian xanh và môi trường du lịch thân thiện với thiên nhiên.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh nhằm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xây dựng lối sống xanh...; tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức và sự cam kết của các cấp, các ngành và toàn xã hội về khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như việc đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường.

 

Không gian xanh đã tạo ra sức hấp dẫn của Chân Mây- Lăng Cô đối với các nhà đầu tư. Nguồn: Internet.

 

Tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh đã từ chối nhiều dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường; trong đó có các dự án như nhà máy nhiệt điện, đóng tàu... Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung xây dựng Khu kinh tế thành khu phát triển bền vững, tăng trưởng cao, gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường ven biển với quy mô đô thị diện tích 27,108ha, kéo dài từ chân núi Bạch Mã đến đèo Hải Vân, trở thành một đô thị cảng, đầu mối giao thông biển, các dịch vụ cảng nước sâu… điều phối hàng hóa cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong quy hoạch, Chân Mây - Lăng Cô sẽ dành một khu công viên cây xanh rộng khoảng 198 ha nằm dọc các triền sông, cù lao giữa sông Bu Lu để xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao. Các khu du lịch sinh thái kéo dài từ bãi biển Cảnh Dương đến Cù Dù, Tư Hiền, thị trấn Lăng Cô, chạy dài ven núi Hải Vân đến tận đảo Sơn Trà… rộng 1.950 ha.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, sức hấp dẫn của Lăng Cô chính là không gian xanh và môi trường du lịch thân thiện với thiên nhiên. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chuyển hướng quốc lộ 1A hiện nay đi theo ven đầm Lập An còn con đường cũ trở thành nội thị - con đường du lịch. Để giảm thiểu tiếng ồn và khí thải, thành phố xanh sẽ quy hoạch xây dựng các tuyến xe chạy bằng điện phục vụ khách du lịch, tuyến xe điện một ray (monorail) chạy xung quanh khu du lịch Lăng Cô, cứ khoảng 300m có một trạm dừng đón trả khách, trên cao là tuyến cáp treo dài 10km đi từ triền núi Tây Nam đầm Lập An lên đỉnh đèo Phú Gia. Tỉnh Thừa Thiên - Huế mở thêm tuyến đường biển cảng Chân Mây; đường sắt từ Chân Mây đến ga Lăng Cô; tuyến đường bộ rộng hơn 50 mét nối với đường cao tốc Bắc Nam cách Chân Mây - Lăng Cô khoảng 25 cây số.

 

Đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 36,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD; trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD. Ban Quản lý Khu kinh tế phấn đấu từ nay đến năm 2015 đạt được các mục tiêu chủ yếu như thu hút vốn đầu tư đạt 22.000 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư mới khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 1.000 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn như dự án Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree - Singapore có vốn đầu tư 875 triệu USD, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.230 tỷ đồng, dự án đầu tư hạ tầng KCN và khu phi thuế quan của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn 2.654 tỷ đồng.

 

Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN