Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm để chống hạn và tăng lợi nhuận

Các tỉnh Tây Nguyên đang phải đối mặt với đại hạn mặc dù mới bước vào mùa khô. Trong khi đó, tại Bình Định, Đồng Nai, nhiều nhà vườn đang áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, có thể tiết kiệm tới 70% lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống. Đây có thể xem là một gợi ý cho Tây Nguyên.

Mô hình sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt (HTTNG) cho cây rau măng tây được Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước xây dựng, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội.

Anh Nguyễn Văn Tiến, ngụ tổ 3, ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cho biết HTTNG có nhiều ưu điểm hơn với hệ thống tưới phun mưa như tiết kiệm được 2/3 lượng nước tưới; vận hành dễ dàng, chỉ cần đóng nguồn điện cho máy bơm nước hoạt động và căn đến giờ thì tắt máy. Mấy năm trước, khi sử dụng hệ thống tưới phun mưa, anh phải mất 7 - 8 giờ/ngày (tưới 2 lần/ngày) để tưới cho 3 sào măng tây xanh, nhưng với HTTNG chỉ tưới 3 giờ/lần/ngày là tưới đủ nước.

Kỹ sư Đỗ Văn Quảng, Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN cho biết, HTTNG là phương pháp cung cấp nước vào vùng rễ cây hoạt động theo đúng yêu cầu nước của cây trồng. Phương pháp này tiết kiệm lượng nước tưới (từ 50 - 70% so với cách tưới truyền thống), tiết kiệm điện năng tiêu thụ, công chăm sóc; giảm xói mòn và rửa trôi đất và chất dinh dưỡng… làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khuyến khích các nhà vườn sử dụng rộng rãi hệ thống tưới nước tiết kiệm (TNTK) vừa có hiệu quả chống hạn trong mùa khô, vừa tăng năng suất và chất lượng cho cây ăn trái và cây lâu năm như: Tiêu, xoài, bưởi, cà phê, sầu riêng...

Theo tính toán của các nhà vườn áp dụng kỹ thuật này, đầu tư cho hệ thống TNTK và bón phân qua đường ống tốn khoảng từ 20 - 35 triệu đồng/ha tùy chất liệu của bồn đựng nước, đường ống dẫn nước và mật độ cây trồng. Kỹ thuật này có thể duy trì cho việc tưới nước trên 5 năm, trong khi chỉ cần các nhà vườn thu hoạch trúng 1 năm/ha cây trồng đã có thể bù đắp được chi phí lắp đặt.

Theo nhiều nhà vườn ở các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, nơi có nhiều diện tích trồng cây ăn quả bị khô hạn trong 6 tháng mùa khô, lượng nước tưới qua hệ thống nói trên giảm được hơn 50% lượng nước tưới so với cách tưới tràn trước đây và mỗi ha cây ăn quả tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng so với cách tưới tràn lấy nước từ giếng khoan lên.

Đậu Tất Thành - Minh Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN