“Sốt” dịch vụ giao hàng nhanh

Dự kiến trong năm 2016, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam sẽ có khoảng 70 - 80 triệu gói hàng cần được giao nhận. Để đáp ứng yêu cầu này, dịch vụ giao hàng nhanh trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh, khiến lĩnh vực giao nhận hàng trở nên nhộn nhịp hơn.

Tiềm năng lớn

Theo báo cáo của Nielsen về thị trường bán lẻ, mô hình cửa hàng “nhỏ và đơn giản” đang dần trở nên được ưa chuộng bởi người tiêu dùng toàn cầu. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Hệ thống cửa hàng bán lẻ này có xu hướng tận dụng TMĐT để tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn và thuận lợi hơn. Khi “cánh cửa” bước vào thị trường TMĐT đang rộng mở hơn bao giờ hết thì dịch vụ giao hàng nhanh cũng được các nhà kinh doanh TMĐT chú trọng để cạnh tranh thị phần.

Chị Hà Vy, chủ gian hàng thời trang trên một trang TMĐT cho biết: “Khi tham gia bán hàng trên mạng, cửa hàng tôi xác định phải tìm cho mình một đối tác giao hàng uy tín và nhanh. Đối tác giao hàng còn kiêm thêm dịch vụ nhận tiền hộ khi khách hàng mua hàng thực hiện dịch vụ nhận hàng mới trả tiền (COD). Chỉ cần một vài khách hàng phàn nàn về cung cách dịch vụ giao hàng không tốt, chúng tôi buộc phải đổi ngay đối tác giao hàng”.

Các công ty thương mại điện tử phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ giao hàng.

Không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ thuê cửa hàng trên trang TMĐT, mà ngay cả các đơn vị kinh doanh TMĐT cũng rất cần một đội ngũ giao hàng riêng nhằm cạnh tranh với các trang TMĐT khác. Cụ thể như trang TMĐT Lazada, tháng 10/2015 đơn vị này đã tách bộ phận giao hàng LEX (LazadaExpress) ra “ở riêng”. Ông Alexandre Dardy, Tổng Giám đốc (CEO) của Lazada, chia sẻ: “Để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, việc tách LEX ra riêng sẽ giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn dịch vụ giao hàng của mình, không chỉ trong khu vực các thành phố lớn mà còn trên toàn quốc”. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEX Việt Nam, việc tách LEX ra riêng còn thể hiện một tham vọng lớn hơn, đó là mong muốn đáp ứng nhu cầu vận chuyển của tất cả các công ty TMĐT trên thị trường.

Không chỉ Lazada thể hiện tham vọng, mà nhiều trang TMĐT khác cũng mong muốn đạt được điều đó. Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Sendo, cho biết đã hợp tác với 3 công ty vận chuyển lớn trong nước nhằm có thể chuyển hàng hóa tới những khu vực bên ngoài các thành phố lớn.

Cạnh tranh khốc liệt

Việc nhiều doanh nghiệp nhập cuộc thị trường giao hàng nhanh đã tạo nên một thị trường dịch vụ giao hàng với sự cạnh tranh ngày càng cao. Theo đó, nhiều dịch vụ giao hàng nhanh được tích hợp công nghệ ngay trên điện thoại di động. Một trong những đơn vị đi đầu có thể kể đến là Grap Express, với ứng dụng Grab. Chỉ cần tải ứng dụng này về trên điện thoại, khách hàng có thể gọi dịch vụ giao hàng, thậm chí có thể gọi mua đồ ăn bất cứ lúc nào với chi phí 15.000 đồng cho 5 km đầu trong nội thành TP Hồ Chí Minh, kèm dịch vụ thu tiền hộ miễn phí, thời gian giao hàng dưới 1 giờ. Điểm mạnh của dịch vụ này là khách có thể kiểm soát được lịch trình đi cũng như thông tin của người giao hàng. Mặt khác, dịch vụ này còn tận dụng các nguồn lực rỗi như xe ôm, sinh viên làm người giao hàng tự do…

Cũng phương thức tận dụng nguồn lực sẵn có như trên, tháng 11/2015 công ty Sản phẩm di động thông minh đưa ứng dụng ShipS hoạt động ở thị trường Hà Nội. Đây là ứng dụng cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Thông qua hệ thống ShipS, người giao hàng sẽ nhận ra các đơn hàng gần nhất, ứng tiền hàng và đem giao cho người mua để nhận tiền giao nhận. Cách làm này sẽ giải quyết được 2 nút thắt trong lĩnh vực TMĐT là thâm dụng vốn và giao hàng dưới 2 tiếng với chi phí có thể chấp nhận được. Hiện có khoảng 4.000 người giao hàng tham gia ShipS với khoảng 600 cửa hàng đang sử dụng.

Tháng 1/2016, Công ty Dịch vụ giao nhận Tức thời cũng đưa tính năng kết nối người giao hàng vào ứng dụng AhaMove (công ty con thuộc Công ty Giao hàng nhanh). Mô hình hoạt động tương tự ShipS, chỉ khác là AhaMove thu 30% phí giao nhận đối với các đơn hàng ở TP Hồ Chí Minh và 20% đối với các đơn hàng ở khu vực Hà Nội. Theo thống kê của Giao hàng nhanh, tính riêng chức năng giao hàng qua người giao hàng tự do, khoảng 600 người đăng ký, mỗi ngày AhaMove có từ 1.300-1.500 yêu cầu giao hàng trên hệ thống. Số lượng thành công xấp xỉ 1.000 đơn hàng, tốc độ tăng trưởng đơn hàng trên AhaMove khoảng 50 - 60% mỗi tháng.

Mới đây nhất trong tháng 6, thị trường đón nhận thêm một DN mới tham gia là Bagasus Việt Nam với ứng dụng cùng tên. Ông Nguyễn Khánh Hòa, đồng sáng lập công ty, cho biết Bagasus cũng sẽ ứng tiền hàng cho DN và giao hàng tức thời. Điểm khác biệt là bên cạnh việc tận dụng các nguồn lực xã hội như ShipS hay AhaMove, Bagasus còn có một đội quân cơ hữu chiếm 10% tổng số người giao hàng để nhận tất cả các đơn hàng phát sinh từ chủ cửa hàng rồi điều phối lại thông qua hệ thống.

Với sự cạnh tranh của các công ty giao hành nhanh tích hợp công nghệ, nhiều đơn vị giao nhận hàng hóa truyền thống lâu đời như VNPost, ViettelPost… cũng đang tính toán thay đổi phương thức chuyên nghiệp hơn. Bởi trong thị trường này, yếu tố để dẫn đầu là tăng trưởng nhanh, ổn định và thu hút càng nhiều người giao hàng càng tốt.
Bài và ảnh: Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN