Sẽ quy hoạch lại diện tích trồng để tăng giá trị cà phê Việt Nam

Sáng 12/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”.

Người dân huyện Cư M’gar chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Hội thảo đã có hàng chục tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý nêu lên hiện trạng sản xuất cũng như biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất của ngành hàng cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với mục tiêu xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, trước tiên phải quy hoạch lại diện tích cà phê, chỉ ổn định diện tích 600.000 ha.

Theo đó, 4 tỉnh ở Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông) là trọng điểm với diện tích 530.000 ha, còn lại chủ yếu là ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu…, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đã ban hành như đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản đến năm 2020, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn…

Ông Lê Văn Đức cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ sinh học chọn tạo giống, công nghệ chế biến cà phê, nâng cao năng lực cán bộ quản lý để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển bền vững ngành hàng cà phê…

Còn Tiến sỹ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất, ngoài các giải pháp quy hoạch, kỹ thuật về giống, trồng xen, đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà phê, tưới nước tiết kiệm,… Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm cây công nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng.

Tiến sỹ Trương Hồng đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan trực tiếp đến sản xuất cây công nghiệp chủ lực (cà phê) vùng Tây Nguyên như chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, vay vốn ưu đãi đối với người trồng cây cà phê, chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cây cà phê…


Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ xem xét, phê duyệt hỗ trợ 50% lãi suất cho khách hàng trong thời gian ân hạn, đồng thời nâng đầu tư cấp tín dụng lên cao hơn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vay tái canh cây cà phê từ 180 triệu đồng tăng lên 200 triệu đồng/ha…

Hiện nay, cả nước có 643.159 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch gần 600.000 ha, tăng 5.500 ha so với năm 2015, trên 500.000 ha cà phê dưới 15 tuổi đang trong thời kỳ kinh doanh. Năng suất cà phê niên vụ 2015- 2016 đạt 24,3 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1,459 triệu tấn cà phê nhân, tăng 5.500 tấn so với niên vụ trước.

Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó đứng thứ nhất thế giới trong nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong sản xuất cũng như chế biến, tiêu thụ, chưa chủ động điều tiết được giá cà phê thế giới...

Quang Huy (TTXVN)
Cây cà phê có thể biến mất trong thế kỷ 21
Cây cà phê có thể biến mất trong thế kỷ 21

Cây cà phê có thể biến mất vào năm 2080 nếu tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục đà diễn biến như hiện tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN